Lào Cai: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp

Lào Cai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Một trong các sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng được trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Là địa bàn biên giới, vùng cao với 25 nhóm ngành dân tộc, ở mọi giai đoạn, Lào Cai đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực lên hàng đầu. Sau 02 năm thực hiện Đề án 01: Đề phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025, năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 330.450 tấn, bằng 107% mục tiêu đề án, giá trị canh tác đạt 95 triệu đồng/01 ha, bằng 95% mục tiêu đề án. Chăn nuôi đại gia súc và gia cầm phát triển tương đối ổn định, thủy sản phát triển cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng, dần khẳng định vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 72.000 tấn, bằng 105% mục tiêu đề án. Sản lượng thủy sản ước đạt 12.300 tấn, bằng 112% mục tiêu đề án. Công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng được quan tâm; tư duy phát triển kinh tế lâm nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đã có nhiều đổi mới; trồng rừng xã hội hóa được thực hiện mạnh mẽ. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực.

Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ-TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, 6 ngành hàng chủ lực của tỉnh được xác định gồm: chè, chuối, dứa, dược liệu, quế và chăn nuôi lợn.

Trồng thử nghiệm giống ngô mới tại Bắc Hà.

Với gần 7.350 héc ta chè hiện có đã vượt 5% mục tiêu Đề án 01. Sản lượng đạt gần 40 nghìn tấn. Cây dược liệu, toàn tỉnh có gần 3.550 héc ta, vượt 12% mục tiêu đề án, sản lượng đạt trên 18 nghìn tấn. Trung bình mỗi héc ta trồng dược liệu, nông dân có lãi trên 100 triệu đồng. Đối với hơn 3.170 héc ta chuối hiện có, sản lượng đạt hơn 61 nghìn tấn, mang lại nguồn thu trên 180 tỷ đồng. Tổng diện tích dứa hiện của tỉnh là trên 2.000 héc ta. Sản lượng quả thu hoạch hơn 35 nghìn tấn, trung bình đạt từ 90 đến 95 triệu đồng mỗi héc ta. Với khoảng 56 nghìn héc ta quế đã mang lại nguồn thu lớn cho nông dân từ việc thu hoạch vỏ, cành lá quế và chiết xuất tinh dầu. Về chăn nuôi chủ lực, tổng đàn lợn toàn tỉnh có khoảng 435 nghìn con, bằng 101% kế hoạch năm 2022,  giá trị đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện đề án, tỉnh cũng chỉ đạo tập trung chế biến sâu để gia tăng giá trị, toàn tỉnh có 131 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận và quản lý bằng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý chuỗi nông sản an toàn; thu hút 21 dự án đầu tư mới và nâng cấp cơ sở sản xuất chế biến; phát triển 163 sản phẩm đạt sao OCOP.

Lĩnh vực chăn nuôi thủy sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đến nay, tổng đàn gia súc của tỉnh là 603 nghìn con, đạt 99% kế hoạch năm. Đàn gia cầm hơn 4,7 triệu con. Toàn tỉnh phát triển được 269 trang trại, trong đó 10 trang trại ứng dụng công nghệ cao, 3 chuỗi sản phẩm. Với hơn 2.100 héc ta nuôi thủy sản. Trong đó, riêng nuôi thủy sản nước lạnh hàng năm mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.

Trong phát triển lâm nghiệp, Lào Cai đạt tỷ lệ che phủ rừng gần 58%, cao hơn trung bình cả nước 14%; đạt 96,5% mục tiêu. Trong đó, có hơn 56 nghìn héc ta quế, chiếm 20% tổng diện tích rừng của tỉnh. Việc trồng quế đang mang lại thu nhập ổn định cho hơn 42 nghìn hộ nông dân. Để đảm bảo phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển các mô hình kinh tế tập thể.

Đối với sắp xếp dân cư, đến thời điểm này, đã thực hiện được 538 hộ, đạt 26% mục tiêu Đề án do việc bố trí quỹ đất, kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp. Tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn phấn đấu kết thúc năm nay, thực hiện sắp xếp 866 hộ dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn và biên giới.

Về xây dựng nông thôn mới, 10 năm trước, Lào Cai tập trung cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, ở giai đoạn này, việc nâng cao chất lượng tiêu chí được đặt lên hàng đầu, lấy người dân làm chủ thể và huy động sự tham gia của toàn xã hội. Khi nguồn lực nhà nước có hạn,  bằng tổng hòa các nguồn lực, đặc biệt từ 3 chương trình MTQG, mạng lưới giao thông, y tế, trường học và nhiều công trình xã hội khác đã giúp nông thôn trong tỉnh thay da đổi thịt. Từ một địa phương có đến 50% số hộ phải cứu đói, thì nay, chỉ còn gần 20% hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới. Toàn tỉnh có 62 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 66% mục tiêu, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 50% mục tiêu đề án.

Dù đạt được nhiều thành công, nhưng do xuất phát điểm thấp nên ở nhiều địa bàn, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã có nhưng chưa bền chặt, vùng nguyên liệu hoặc là chưa đủ lớn, hoặc có nhưng năng suất, hiệu quả chưa cao. Đơn cử như toàn tỉnh có gần 6 nghìn héc ta chè kinh doanh, nhưng sản lượng chưa đạt đến 10 tấn/héc ta. Trong khi ở các tỉnh Thái Nguyên hay Phú Thọ, sản lượng trung bình lên đến 15 tấn/héc ta. Giá trị xuất khẩu chè của Lào Cai hiện cũng thấp hơn khá nhiều so với những địa phương đã xây dựng được giá trị thương hiệu.

Giai đoạn 2020-2025, Lào Cai đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 5-5,5%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu nội ngành: Nông nghiệp 74%, Lâm nghiệp 20%, Thủy sản 6%; giá trị sản phẩm mỗi héc ta đất canh tác bình quân đạt trên 100 triệu đồng; duy trì sản lượng lương thực có hạt trên 300.000 tấn; sản lượng thịt hơi đạt 68.500 tấn; sản lượng thủy sản 11.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%; phát triển mới 100 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận; chuẩn hóa và công nhận ít nhất 150 sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng đẩy mạnh quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới;bố trí, sắp xếp ổn định khoảng 2.525 hộ vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới. Toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện nông thôn mới nâng cao; 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân đạt 17,3 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí.

Đề án 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVI về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tiếp tục được tỉnh tập trung triển khai gắn với nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng khu vực nông thôn của tỉnh thành những vùng quê đáng sống. Quyết tâm xây dựng 1 trong 4 trụ đỡ của kinh tế địa phương phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế và giao lưu hợp tác quốc tế của vùng Trung Du - Miền núi phía Bắc.

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Lào Cai tổ chức cuộc thi trực tuyến trên Internet Tìm hiểu cải cách hành chính

Trong tháng 8 năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến trực tuyến trên Internet “Tìm hiểu cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.