Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), Ủy ban Quốc gia về CĐS tại phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023, tổ chức chiều 28/12.Tham dự phiên họp tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố và 1 số bộ ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia, trong năm cơ quan nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 64%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.087 CSDL.
Công tác chuyển đổi số của Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Quốc tế đánh giá cao Việt Nam về tốc độ chuyển đổi số như: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46 (tăng 2 bậc so với năm 2022); báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP…
Về việc xóa các điểm lõm sóng, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/2.853 vùng lõm sóng. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15 - 30% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực cũng đạt được kết quả ấn tượng, trong đó, du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%.
Đối với Lào Cai, năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh xác định 75 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó 50 nhiệm vụ đã hoàn thành, 19 nhiệm vụ đang thực hiện, 6 nhiệm vụ chưa thực hiện.
Tỉnh đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện có kết quả 17/24 nhiệm vụ; thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với Tập đoàn Viettel 20 nhiệm vụ trọng tâm để phối hợp thực hiện trong 2 năm tiếp theo. Cổng chuyển đổi số của tỉnh hoạt động từ tháng 10/2022, đến nay đã có 490 nghìn lượt truy cập…
Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Có 1.548/1.562 (tương đương 99%) trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động 3G, 4G. Hoàn thành tích hợp, kết nối kho dữ liệu giấy tờ cá nhân dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.655/1.655 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 100%), là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đứng đầu có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác thực hiện chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thời gian tới, các ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược trong phát triển chuyển đổi số; có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo bước đột phá, nỗ lực vượt lên trong phát triển kinh tế số ngang tầm khu vực gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Phát triển kinh tế số phải lấy tri thức làm cốt lõi. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế số, hạ tầng số, ứng dụng số hiện đại, liên thông, mang lại hiệu quả cao. Phát triển kinh tế số toàn diện nhưng đề cao chất lượng, không chạy theo số lượng; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
https://baolaocai.vn/day-manh-chuyen-doi-so-tao-dong-luc-tang-truong-kinh-te-post377847.html