Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số phải luôn được đặt trong tổng thể sự phát triển quốc gia, dân tộc; cần có thái độ tôn trọng đối với di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.Sa Pa là vùng đất tụ cư của 6 tộc người Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xá Phó trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 52%; dân tộc Dao chiếm 22,4%; dân tộc Kinh chiếm 14,8%; dân tộc Tày chiếm 5%; dân tộc Giáy chiếm 3%; dân tộc Xá Phó chiếm 1,06 %; Dân tộc khác chiếm 1,74%. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán riêng góp phần tạo nên sự đa dạng cho bức tranh văn hóa các dân tộc của Sa Pa.
Trong nhiều thế kỷ qua, các dân tộc thiểu số đã lần lượt di cư đến Sa Pa và chinh phục mảnh đất này thành những bản làng trù phú với khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ. Quá trình đấu tranh sinh tồn và lao động sản xuất đã giúp cho cộng đồng các dân tộc Sa Pa hình thành nên những nét văn hóa và lối sống độc đáo, tạo ra một bức tranh văn hóa đa sắc màu bên dãy Hoàng Liên kỳ vỹ. Sự độc đáo của văn hóa các dân tộc thể hiện trong không gian văn hóa của các làng bản, trong kiến trúc nhà cửa của mỗi dân tộc, trên trang phục của nam và nữ và trong các lễ hội truyền thống.
Tuần văn hóa du lịch Sa Pa năm 2023.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND thị xã Sa Pa đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát các giá trị văn học nghệ thuật, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Hằng năm, chỉ đạo, hướng dẫn các xã quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội, nghề truyền thống; thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc; tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc... thu hút đông đảo nhân dân tham gia; góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Đội văn nghệ dân gian biểu diễn tại Lễ khai mạc Tuần lễ hội Đền Mẫu thượng năm 2022.
Du lịch cũng đã tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như: nghề thổ cẩm, nghề thảo dược và hương liệu, nghề làm hương, làm nến sáp ong, làm trống, chạm bạc, nghề rèn....; Nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo tại các nhà hàng; Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng được khai thác để phục vụ khách du lịch tại các cộng đồng thông qua chuỗi các lễ hội đầu xuân mới, các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với khách du lịch... Có thể nói, sự phát triển của du lịch đã khiến Sa Pa trở thành nơi giao thoa giữa các nền văn hóa và chính môi trường giao thoa ấy đã khiến cho văn hóa các dân tộc Sa Pa được quảng bá rộng rãi.
Vườn hoa cải dầu tại thôn Lồ Lao Chải, Sa Pa nằm trong Dự án “Phát triển cây cải dầu tăng vụ trên đất ruộng 1 vụ gắn với bảo tồn di sản quốc gia ruộng bậc thang”.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, sự phát triển du lịch cũng mang lại những tác động tiêu cực đối với văn hóa và đời sống của các dân tộc thiểu số huyện Sa Pa: Văn hóa truyền thồng dần bị mai một và biến đổi do thiếu định hướng về bảo tồn; không gian văn hóa tại các làng bản đang dần bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa và nhu cầu phát triển; kiến trúc truyền thống bị bị thay thế bởi các công trình kiến trúc hiện đại; trang phục truyền thống ngày càng ít xuất hiện và có hiện tượng bị lai tạp giữa các dân tộc; một số nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một trước sự xâm nhập các sản phẩm công nghiệp, hiện đại; nghệ thuật truyền thống bị biến dạng do sự thương mại hóa; tinh thần cộng đồng bị biến đổi do tác động của kinh tế thị trường...
Sự độc đáo của văn hóa dân tộc thể hiện trong không gian văn hóa các làng bản, nghề truyền thống, trong phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào. Phát huy thế mạnh này, thị xã Sa Pa đang có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực để mỗi người dân gìn giữ, phát huy và khai thác, tạo sinh kế cho phát triển du lịch bền vững; ban hành các chính sách nhằm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tập trung vào các chính sách cơ bản như: bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết; bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; công tác truyền thông; công tác lưu trữ...
Hiện thị xã Sa Pa đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận. Trong thời gian tới, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và của thị xã; sự vào cuộc chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, của chính quyền địa phương, của các tổ chức Hội đoàn thể và đặc biệt của của cộng đồng các dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Sa Pa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả theo đó di sản văn hóa sẽ trở thành tài sản của các dân tộc thiểu số; khẳng định Văn hóa dân tộc chính là một trong 3 yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo riêng có của Thị xã Sa Pa và Khu du lịch quốc gia Sa Pa.