Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Lào Cai
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Lào Cai quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật; tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý; đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con là vấn đề nhức nhối, để lại hệ lụy cho cả gia đình và xã hội, là trở lực ngăn cản nâng cao chất lượng dân số của Lào Cai.
Thời gian qua, vấn đề này luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp triển khai thực hiện của tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Song song với đó, tỉnh Lào Cai cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số đẩy lùi thủ tục lạc hậu, nhất là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Một buổi tuyên truyền về pháp luật và truyền thông về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Bản Liền, huyện Bắc Hà.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từng bước giảm bền vững, tiến tới xóa bỏ các vấn nạn, hủ tục trên, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc tuyên truyền được thực hiện trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Lào Cai; hệ thống truyền thanh của huyện, xã; các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố; giờ học ngoại khóa của các trường học THCS, THPT...
Nhiều địa phương đã chỉ đạo đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống vào hương ước các dòng họ và quy ước của thôn bản; ồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn vào thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, công tác phòng, chống tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong năm 2023, tỉnh có 112 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng, tương ứng 67,88% so với năm 2022, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra. Ngoài ra, các địa phương đã tuyên truyền vận động ngăn chặn được 230 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, có 712 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu.
Tài liệu tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Điểm sáng trong công tác tuyên truyền đẩy lùi hủ tục lạc hậu trên địa bàn tỉnh là năm 2023 không có xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và thực hiện chính sách chăm sóc sức khoẻ sinh sản, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan, ban ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận nhức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp xây dựng và phát huy có hiệu quả các Mô hình “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; câu lạc bộ “Không cưới tảo hôn”; “Dòng họ tự quản”; diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”. Thông qua hoạt động tại các Mô hình điểm đã giúp cho các hội viên được chia sẻ, giao lưu, tham gia học hỏi những kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Năm 2022 – 2023, tỉnh Lào Cai được Trung ương phân bổ 8.070 tỷ đồng để triển khai thực hiện tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 9 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Kết quả, trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 4.273 buổi tuyên truyền cho 317.052 lượt cán bộ thôn, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, học sinh, nhân dân; tổ chức 63 hội nghị tập huấn cho 12.382 lượt người về bồi dưỡng kiến thức kỹ năng tuyên truyền, tư vấn, vận động đồng bào DTTS thay đổi hành vi về hôn nhân, cải tạo phong tục tập quán về hôn nhân gắn với bình đẳng giới; in phát hành 22.921 tờ rơi, xây dựng hơn 1.083 pa-nô, áp phích về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các hoạt động khác như đối thoại trực tiếp với nhân dân; tổ chức sinh hoạt chuyên đề được 144 cuộc với 14.807 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào lĩnh vực pháp luật Hôn nhân và Gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, thanh thiếu niên.
UBND tỉnh Lào Cai cũng đã giao cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các hoạt động cụ thể tại 17 mô hình điểm về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện, thị xã, thành phố được phân công phụ trách; duy trì 113 mô hình điểm và xây dựng mới 04 mô hình điểm tại cấp huyện, xã. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo, Tổ tư vấn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và nhận được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đơn vị quản lý.
Công tác tuyên truyền cũng được đổi mới về cả nội dung và hình thức như: Xây dựng các video phóng sự phản ánh thực trạng, hậu quả của tảo hôn bằng tiếng dân tộc, các khẩu hiệu (băng rôn), tờ rơi, pa nô, bảng tuyên truyền (áp phích) có thiết kế các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể ở xã, thôn bản, chiến sỹ biên phòng... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động.
Có thể thấy, các cơ quan, đơn vị tỉnh Lào Cai đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, vai trò của trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân cũng đã được phát huy. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú; thường xuyên nắm bắt tình hình trong nhân dân và ngăn chặn, xử lý kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn.
Để từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chỉ đạo về thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là các học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn. Nâng cao nhận thức cho người dân về các hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; gắn phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với việc thực hiện cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì thực hiện các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tăng cường phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn.