Hội thảo nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai
Sáng 01/12, Sở Du lịch tổ chức Hội thảo nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vừa nâng cao thu nhập cho bà con.Quang cảnh Hội thảo nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai.
Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Hiệp hội Du lịch tỉnh; lãnh đạo huyện Si Ma Cai, Bát Xát, Văn Bàn; đại diện các điểm du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc, trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,8% dân số. Sự đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa đã đem đến sức hấp dẫn có chiều sâu cho du lịch Lào Cai. Với 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh và trên 50 lễ hội, phong tục truyền thống... là nguồn tài nguyên quan trọng để bảo tồn, phát huy, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 7 triệu lượt khách, đạt 117% so với kế hoạch; tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 22.500 tỷ đồng, đạt 110% mục tiêu kế hoạch. Lào Cai đang nỗ lực biến di sản thành tài sản để phát triển du lịch bền vững, đem lại sinh kế và nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, việc xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiếu số còn gặp một số hạn chế: Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, đặc trưng; hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế dẫn tới việc tiếp cận điểm đến khó khăn; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, các nhà; nhận thức và trình độ văn hóa của đồng bào dân tộc còn hạn chế, nhất là nhận thức về phát triển và kinh doanh du lịch,... Hội thảo là dịp để các đại biểu thảo luận, chia sẻ, giải đáp và thống nhất phương án nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiếu số tỉnh Lào Cai.
Giới thiệu các sản phẩm từ cây tía tô của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thuốc tắm dao đỏ Sa Pa
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận một số nội dung như: Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu địa phương dựa trên đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Sa Pa; vị trí vai trò, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tại Bát Xát; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với chợ phiên, làng nghề tại Bắc Hà; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); phát triển lợi thế tri thức dân gian từ dược liệu của người Dao đỏ để đưa vào khai thác phát triển du lịch của Sa Pa...
Ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh nhấn mạnh tại Hội thảo: Lào Cai quan điểm phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm, ngành du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Đến năm 2050, Lào Cai phấn đấu trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm xanh và thông minh hàng đầu Việt Nam và Khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi.
Hội thảo tiếp thu các tham luận của đại biểu và tiếp tục nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh tăng cường các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng mạng lưới giao thông nông thôn kết nối các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ khách du lịch; các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; chú trọng ưu tiên nguồn lực để xây dựng hình thành sản phẩm du lịch đặc thù; triển khai chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc./.