Cơ hội tăng tốc từ hợp tác đầu tư nước ngoài
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 6 vừa diễn ra trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tăng cường hợp tác song phương.Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ
Hội nghị năm 2023 tập trung vào các mục tiêu ưu tiên của Việt Nam, cụ thể là tháo gỡ nút thắt trong huy động nguồn lực, sản xuất và kinh doanh; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; bảo đảm khả năng tiếp cận, chi trả và đổi mới trong ngành y tế; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng, trong đó có việc chuẩn bị cho cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn…
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đến nay đã tăng gần 300 lần, đạt 124 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Đến nay, nhà đầu tư Hoa Kỳ có 1.306 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 11,8 tỷ USD, đứng thứ 11/43 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Với những bước tăng trưởng nhanh về hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam cũng trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là lĩnh vực chiếm ưu tiên cao trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, được ví như "động cơ vĩnh cửu" của quan hệ song phương.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực hợp tác đầu tư. Thời điểm thay đổi cục diện hợp tác đầu tư giữa hai nước đang mở ra với hàng loạt động thái tích cực như Tập đoàn Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; các đối tác của Hoa Kỳ gồm Foxconn, Luxshare, Goertek đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy; Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip; Synopsys và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam...
Trước đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Bắc Mỹ đến Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho Việt Nam vào nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, xanh hóa.
Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa quy mô nền kinh tế đạt ngưỡng 2.500 tỷ USD vào năm 2045, Việt Nam có cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả tất cả nguồn lực cho mục tiêu phát triển đất nước, trong đó có nguồn lực từ hợp tác đầu tư nước ngoài. Và đóng góp quan trọng cho quá trình này sẽ là nhiều "quả ngọt" đến từ bước ngoặt mới trong quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đang tăng tốc bằng "động cơ vĩnh cửu".