Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - động lực đưa đất nước bứt phá đi lên

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội bày tỏ lo lắng khi trong số 5/10 chỉ tiêu năm 2023 dự kiến không hoàn thành, có chỉ tiêu quan trọng, phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng ba năm qua không đạt kế hoạch, đó là chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực.

Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, 24,4% của Hàn Quốc, 58,9% của Trung Quốc, 63,9% của Thái Lan, 94,2% của Philippines. Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản là 60 năm, Malaysia là 40 năm, Thái Lan là 10 năm.

Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo là vấn đề cốt lõi là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển tiên tiến của các nước.

Qua các phiên thảo luận tại nghị trường, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá thật cụ thể, toàn diện để có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, sớm cải thiện tình hình trong thời gian tới. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, sau hơn nửa nhiệm kỳ, theo báo cáo của Chính phủ, chất lượng nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thật sự là động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành nghề kinh tế mới, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành kinh tế số.

Thời gian qua, công tác hội nhập quốc tế của đất nước được triển khai sôi động, liên tục, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước. Đáng chú ý, tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện theo Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Đây là cơ hội lớn cần nắm bắt cho ngành sản xuất quan trọng, ngành sản phẩm cốt lõi của lĩnh vực công nghệ cao trong thế giới hiện đại. Nếu Chính phủ không có chính sách phù hợp phát triển nội lực thì mức độ lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đạt được và con đường công nghiệp gia công đóng gói sẽ lặp lại.

Trong 12 nhóm giải pháp đã đề ra trong thời gian tới, Chính phủ chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi; trong đó tập trung đào tạo hàng vạn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn giai đoạn 2025-2030.

Tuy nhiên, để chủ trương bảo đảm khả thi trong thực tiễn, cần cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện rõ nét năng suất lao động để tạo chuyển biến lớn trong thời gian tới.

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần nhận thức rõ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học-công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là một trọng trách của ngành, một sứ mệnh để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đổi mới các lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đối với lĩnh vực công nghệ cao phải có một sự đầu tư thỏa đáng, Quốc hội khẩn trương có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động và năng suất lao động. Trên cơ sở đó, ban hành nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về chính sách đặc thù, đột phá, định hướng đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Thời gian tới, Chính phủ cần tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, nhưng phải bền vững bằng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao.

Tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới; các nghị quyết Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển khoa học-công nghệ; Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp; chú trọng phát triển thị trường lao động khoa học-công nghệ, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thị trường này để tạo sự lan tỏa sâu rộng, bao trùm và bền vững.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - động lực đưa đất nước bứt phá đi lên (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 01/01/2024

Theo Nghị quyết của Quốc hội, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Tăng cường tin cậy, gắn bó và hợp tác Việt Nam-Campuchia

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/11 đến 2/12.

Phát triển doanh nghiệp gắn với cơ cấu lại nền kinh tế

Phát triển doanh nghiệp là một trong những mục tiêu có tầm quan trọng đặc biệt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao sức chống chịu, năng lực tự chủ của nền kinh tế.

Việt Nam-Nhật Bản: Nửa thế kỷ kết giao, hợp tác bền chặt

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản duy trì sự tin cậy chính trị cao và là sự kiện...

Việt Nam sẽ công bố sáng kiến, cam kết mới về ứng phó biến đổi khí hậu tại COP28

Trả lời phỏng vấn báo chí về Đoàn Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tham dự COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam sẽ công bố sáng kiến, cam kết mới về ứng phó biến đổi khí hậu tại COP28. Báo Nhân Dân...

Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất - năm 2024

Đây là giải báo chí đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên với quy mô cấp tỉnh mang tên Huỳnh Thúc Kháng - Một chí sĩ yêu nước mà tên tuổi gắn liền với Trường dạy làm báo đầu tiên do Bác Hồ đặt tên, được khai giảng ngày 4/4/1949 tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.