Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế
Việc xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt, triển khai Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc” sẽ góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, tạo ra nguồn lực phát triển mới cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.
Tiềm năng, lợi thế lớn
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), Lào Cai ở vị trí trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (nằm giữa khu vực Tây Bắc và Đông Bắc), đồng thời là tỉnh trung tâm của biên giới Việt Nam tiếp giáp với Vân Nam (Trung Quốc), giữ vị trí cửa ngõ, tiền tiêu của biên giới phía Bắc, có vai trò xung yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Lào Cai cũng được xem là điểm trung chuyển giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc; có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang Bắc - Nam trong khuôn khổ hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Công (GMS).
Với vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương kinh tế, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của tỉnh, những năm qua, Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; đời sống người dân được cải thiện, là điểm du lịch nổi tiếng, cửa ngõ giao thương sôi động...
Đặc biệt, Lào Cai được biết đến với vai trò là cầu nối giao thương của các tỉnh miền Bắc Việt Nam với vùng Tây Nam Trung Quốc. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai kể từ khi thành lập đến nay hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1627/QĐ- TTg về quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia, hạt nhân để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Những năm tới, Lào Cai tiếp tục ưu tiên phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu theo hướng tạo dựng cơ sở hạ tầng và logistics (phát triển hệ thống logistics, khu vực kho cảng cạn, bến bãi tập kết hàng hóa), đầu tư xây dựng đô thị - công nghiệp tập trung (các cụm công nghiệp; khu vui chơi, giải trí; các khu chức năng khác và hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam...).
Trong Khu Kinh tế cửa khẩu hiện có 240 dự án đầu tư (logistics, kho bãi, hạ tầng…) với tổng vốn đăng ký gần 16 nghìn tỷ đồng. Hoạt động xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai có sự tham gia thường xuyên của gần 600 doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh phát triển giao lưu kinh tế qua biên giới.
Dự báo xu hướng thương mại toàn cầu sẽ có sự thay đổi lớn do chuyển đổi về địa chính trị và các dòng lưu chuyển thương mại. Cụ thể, thương mại toàn cầu sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN và trung chuyển đến các thị trường khác với mức tăng trưởng thương mại giữa ASEAN - Hoa Kỳ và ASEAN - EU (bình quân trên 10%) trong vài năm tới. Đây là cơ hội và thời điểm rất phù hợp để Lào Cai nắm bắt, chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương ban hành chính sách ưu đãi, đặc thù, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Thách thức không nhỏ
Cũng theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, bên cạnh những thành tựu đạt được, Lào Cai cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức kìm hãm sự phát triển, giao thương kinh tế. Đó là tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển của ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao gây cản trở cho việc liên kết và kết nối vùng; tỷ lệ đô thị hóa chưa cao, huy động nguồn lực còn hạn chế; đời sống Nhân dân, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, giảm nghèo chưa thực sự bền vững...
Cùng với đó, hoạt động xuất - nhập khẩu chịu tác động lớn từ việc điều chỉnh chính sách và các biện pháp xuất - nhập khẩu của Trung Quốc; chi phí logistics vẫn thuộc nhóm cao trong khu vực; chưa có cơ chế mang tính động lực cho sự phát triển mang tính chất đầu tàu trong vùng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế với các nước ASEAN và Trung Quốc. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 trong đã có những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế thương mại của tỉnh, đặc biệt là thương mại biên giới. Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu quá trình lây lan của đại dịch, nhất là là việc đóng cửa biên giới đối với hàng hóa, người và phương tiện đi lại.
Ngoài nguyên nhân khách quan, những khó khăn, hạn chế nêu trên một phần là do cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với tỉnh Lào Cai chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư. Một số dự án, công trình trọng điểm, có vai trò kết nối tỉnh Lào Cai với các tỉnh trong khu vực và cả nước triển khai chưa đúng tiến độ. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chậm nắm bắt cơ hội thị trường...
Hội tụ các yếu tố trở thành trung tâm kết nối giao thương
Đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của Lào Cai trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định: “Đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 1/8/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 96/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Chương trình hành động liên quan đến hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng, đó là “hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai”.
Bên cạnh đó, xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc cũng là đòi hỏi khách quan của xu thế tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các nước trong khu vực. Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc thông qua khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, góp phần thực hiện các cam kết trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN và các thỏa thuận hợp tác kinh tế khác.
Do đó, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược công thương để xây dựng Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”, sớm trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.
Đánh giá về tầm quan trọng của Đề án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” chứa đựng nhiều nội dung mới về phát triển và liên kết vùng, đặc biệt là kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Việc xây dựng Đề án là rất cần thiết nhằm làm rõ những điều kiện để xác định lợi ích, quan điểm, mục tiêu; định hướng các giải pháp và đề xuất kiến nghị các nội dung, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương để xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu chính sách, việc xây dựng Đề án không chỉ góp phần thúc đẩy Lào Cai phát triển, trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc mà còn đưa Lào Cai trở thành trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, hóa chất, phát triển dược liệu của vùng và cả nước; trung tâm nghiên cứu khai thác, duy trì và phát huy được các nét đẹp của văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia, biên giới, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển.
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước; đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển của cả nước, là trung tâm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ (đứng thứ 15 - 20 của cả nước). Tỉnh Lào Cai được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các trung tâm phát triển của tỉnh và các vùng, miền trong cả nước và quốc tế, các điểm dân cư trong tỉnh; kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Lào Cai phát triển thịnh vượng…
Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 10,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản (năm 2025 tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 11,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45,7%; dịch vụ chiếm 36,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7,1%). GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng/năm (gấp 1,15 lần mức bình quân của cả nước) vào năm 2025 và đạt trên 260 triệu đồng/năm (gấp gần 1,4 lần mức bình quân của cả nước) vào năm 2030.
Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 234 nghìn tỷ đồng và đạt khoảng 520 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, đến năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 15 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030, phấn đấu tự cân đối được ngân sách. Đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 15.000 doanh nghiệp, trong đó có 70% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 10 triệu lượt người và đạt trên 13 triệu lượt người vào năm 2030. Tổng giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 10 tỷ USD (năm 2025) và 15 tỷ USD (năm 2030).
Đến năm 2030, hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và có khả năng gắn kết được với các địa phương trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thành và đưa vào khai thác Cảng Hàng không Sa Pa; cải tạo, nâng cấp các ga hàng hóa (nâng cấp khổ đường ray từ 1.100 mm lên 1.435 mm). Hoàn thành và đưa vào khai thác Trung tâm logistics Kim Thành - Bản Vược; nâng cấp hạ tầng kết nối giữa Lào Cai với các địa phương của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và kết nối với Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng…
Giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Nói về quan điểm của tỉnh Lào Cai đối với việc xây dựng Đề án, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Lào Cai luôn nhất quán với quan điểm đặt sự phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Sớm trình và được Chính phủ phê duyệt, cho triển khai Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, tạo ra nguồn lực phát triển mới cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.
Với mục tiêu rõ ràng, tỉnh Lào Cai và các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu đã đề xuất 8 nhóm giải pháp để thực hiện Đề án. Trong đó, cần thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước, đặc biệt là với Trung Quốc và các nước ASEAN, mở rộng liên kết vùng; huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển mô hình cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương quốc tế; đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp về đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Thành, chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, để xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương, trước hết phải lấy kết nối giao thương kinh tế làm trọng tâm, được áp dụng các chính sách đặc thù… từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị mang tầm chiến lược. Nếu điều kiện cho phép, cần bổ sung nghiên cứu chuyên sâu kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là các mô hình tương tự đang được Trung Quốc thí điểm triển khai.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, khi đặt vấn đề xây dựng Đề án, tỉnh Lào Cai và cơ quan tư vấn cần xác định đây không phải là việc riêng của tỉnh Lào Cai mà đó là công việc của quốc gia, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ với các địa phương khác, không chỉ ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc mà cần đặt trong sự liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ để đề xuất các giải pháp kết nối tổng thể. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng cần quan tâm đến cạnh tranh trong phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu và kết nối bởi hiện nay, nhiều tỉnh phía Bắc cũng đặt trọng tâm phát triển của mình là phát triển kinh tế cửa khẩu kết nối với thị trường Trung Quốc.
Nói về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Tỉnh Lào Cai, đơn vị tư vấn tập trung tiếp thu, bổ sung những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý; tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng đề xuất những cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi để xây dựng và phát triển trung tâm kết nối giao thương kinh tế. Gắn nội dung Đề án với bối cảnh, xu hướng phát triển chung của thế giới về khoa học - công nghệ, khoa học quản lý và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia góp ý xây dựng Đề án vì những kết quả đạt được theo những mục tiêu trong Đề án cuối cùng là để phục vụ cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Lào Cai và cơ quan tư vấn cần khẩn trương phối hợp hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ phê duyệt theo đúng kế hoạch đề ra.
https://baolaocai.vn/xay-dung-lao-cai-tro-thanh-trung-tam-ket-noi-giao-thuong-kinh-te-post371484.html#371484|zone-timeline-3|0