Ngoại giao văn hóa - nhịp cầu nối Lào Cai với bạn bè trong và ngoài nước
Lào Cai không chỉ có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng mà còn được các chuyên gia đánh giá là “cửa ngõ” giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN với miền Tây Nam - Trung Quốc. Cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột góp phần tạo nên chính sách ngoại giao toàn diện của tỉnh Lào Cai.Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai tham dự chương trình Gặp gỡ Nhật Bản năm 2020.
Sau 30 năm tái lập tỉnh các hoạt động ngoại giao văn hóa đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, được xem là “điểm sáng” về đối ngoại văn hóa ở vùng biên giới. Thông qua các hoạt động đối ngoại văn hóa, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch đã tích cực quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người và văn hóa của Lào Cai, xây dựng “thương hiệu Lào Cai”.
Trong các hoạt động hợp tác với Vân Nam, hai bên đã xây dựng được tour du lịch kiểu mẫu “2 quốc gia, 6 điểm đến” kết nối Vân Nam – Lào Cai và các tỉnh dọc sông Hồng. Tổ chức giải đua xe đạp xuyên quốc gia “Một đường đua, hai quốc gia”. Tổ chức “Diễn đàn quốc tế phát triển lưu vực sông Hồng”, quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của hai bên tham gia. Trong lĩnh vực thư viện, hàng năm diễn ra các hoạt động giao lưu trao đổi nghiệp vụ và tặng sách tiếng Việt và tiếng Trung; tủ sách giới thiệu “Cửa sổ nhìn ra nước bạn”, phòng đọc sách tiếng Việt, tiếng Trung vẫn được duy trì tốt tại Thư viện tỉnh Lào Cai và Thư viện dân tộc huyện Hà Khẩu, mở rộng thêm tại Thư viện Châu Hồng Hà từ năm 2019 là một trong những kênh thông tin rộng rãi về hai nước.
Với hợp tác vùng Nouvelle Aquitaine, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là một trong những nội dung hợp tác hiệu quả. Chuyên gia Pháp đã giúp Lào Cai xây dựng Bộ quy chế quản lý đô thị Sa Pa; chuyển giao và tư vấn xây dựng, vận hành mô hình các Nhà thông tin du lịch gắn với Trung tâm diễn giải văn hóa các dân tộc đã được áp dụng ở Sa Pa và Bắc Hà. Và hiện đang giúp Lào Cai tư vấn kĩ thuật phương án trưng bày Bảo tàng tỉnh để xây dựng thành mô hình điểm về Bảo tàng, điểm du lịch văn hóa. Vùng cũng đang tiếp tục hỗ trợ Lào Cai nhiều hoạt động về đào tạo tiếng Pháp mà ưu tiên là tiếng Pháp cho những người hoạt động ở lĩnh vực du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm tại Sa Pa, Bắc Hà.
Lào Cai đã triển khai nhiều sự kiện có sức hút, sức quảng bá lớn như: Năm du lịch quốc gia 2017, Giải chạy maraton vượt núi quốc tế, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội “Du lịch về cội nguồn”, Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Liên hoan văn nghệ các tỉnh biên giới Việt – Trung, Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Lào Cai; giao lưu nghệ thuật với các đoàn nghệ thuật đến từ Trung Quốc, Belarus, Isaren…
Công tác quảng bá, giới thiệu về Lào Cai còn được tích cực triển khai qua các hoạt động xây dựng hồ sơ vận động UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (Nghi lễ thực hành Then – Tày – Nùng, Nghi lễ kéo co); VĐV thể thao của Lào Cai thi đấu tại các đấu trường quốc tế như Olympic 2020, các kỳ SEAGAMES; các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài (Trung Quốc), liên hoan quốc tế (Liên hoan 3 nước Đông Dương).
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh trong và ngoài nước. Lào Cai đã tổ chức Ngày văn hóa Lào Cai tại các trung tâm du lịch lớn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; tham dự các sự kiện quốc tế như Hội nghị phi tập trung Pháp – Việt tại Pháp năm 2018, chương trình Gặp gỡ Nhật Bản năm 2020. Ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với công tác thông tin đối ngoại để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngoại giao văn hóa kết hợp hiệu quả với đối ngoại nhân dân tạo điểm nhấn cho hoạt động đối ngoại vùng biên giới. Người dân hai nước thường xuyên có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao nhất là tại các địa bàn giáp biên giới như thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu. Hằng năm, hai địa phương tổ chức Liên hoan văn nghệ đón Xuân, tổ chức các giải giao hữu thể thao, các hoạt động giao lưu khiêu vũ. Dịp lễ, tết cổ truyền, nhân dân các xã giáp biên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi truyền thống, qua đó tăng cường gắn kết, tình hữu nghị. Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa ngành Văn hóa và Bộ đội Biên phòng trong các hoạt động đối ngoại văn hóa, ngoại giao nhân dân tại khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của tỉnh Lào Cai. Ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân cùng thông tin đối ngoại đã và đang kết hợp hiệu quả, góp phần quảng bá, đưa hình ảnh Lào Cai ngày càng gần gũi, thân thiện trong xu thế hội nhập, tạo nên “sức mạnh mềm” hấp dẫn, thu hút đầu tư, du lịch, giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương./.