Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến quy hoạch, hỗ trợ nông dân phát triển các cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng và hình thành các mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Cùng với mở rộng diện tích và quy mô sản xuất chè, chuối, dứa, quýt, huyện đẩy mạnh thực hiện các liên kết sản xuất, tạo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Đến nay, Mường Khương có 8 cơ sở, nhà máy chế biến chè và một số cơ sở chế biến nhỏ lẻ, đảm bảo chế biến, tiêu thụ 100% sản lượng chè búp tươi của huyện; 1 nhà máy chế biến rau, quả phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm dứa.
Việc xây dựng, phát triển các loại hình kinh tế tập thể để thực hiện các loại hình liên kết trong sản xuất hàng hóa cũng được quan tâm. Hiện trên địa huyện có 16 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thành lập được 124 tổ hợp tác.
Năm 2020, Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu đã xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm dứa đóng hộp phục vụ xuất khẩu tại xã Lùng Vai (Mường Khương), với nguồn nguyên liệu từ liên kết sản xuất và tiêu thụ với người dân trồng dứa trên địa bàn huyện. Hiện công suất của nhà máy và thời gian sản xuất dứa mới đạt 5 tháng/năm và sản lượng tiêu thụ, chế biến của nhà máy chiếm hơn 1/3 sản lượng dứa toàn tỉnh.
Để có vùng nguyên liệu có chất lượng, ổn định, công ty phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm - thủy sản tỉnh thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa gắn liền với chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại huyện Mường Khương và huyện Bát Xát, giai đoạn 2022 - 2025. Công ty hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái dứa; đầu tư phân bón cho hộ trồng và cam kết thu mua dứa loại 1 là 6.500 đồng/kg, loại 2 là 4.500 đồng/kg.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bắc Hà ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà,... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ, với hơn 1.500 người; chuỗi sản xuất quế tại các xã: Bảo Nhai, Nậm Đét, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Bản Cái, Cốc Ly với hơn 10.000 ha, trong đó 2.247 ha được chứng nhận hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà; chuỗi sản xuất quế hữu cơ giữa HTX quế hữu cơ Nậm Đét và 150 hộ, liên kết sản xuất 1.200 ha quế; chuỗi liên kết cây ăn quả ôn đới giữa nông dân và Hợp tác xã cộng đồng Tả Van Chư, Hợp tác xã Quang Tom…
Hiệu quả đem lại
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là mắt xích quan trọng, hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, các hình thức liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp và tiêu thụ nông sản hàng hóa ở Lào Cai đã hình thành và phát triển với nhiều hình thức đa dạng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 26 công ty, doanh nghiệp và 17 hợp tác xã. Các liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, dược liệu, rau, hoa, gạo, ngô, sắn, ớt, chuối, dứa, liên kết trong chăn nuôi. Bên cạnh liên kết sản xuất với các tổ chức đại diện nông dân, cũng hình thành các mối liên kết sản xuất giữa các trang trại với các doanh nghiệp, công ty về cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất như cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiện quy mô liên kết đã đạt 4.326 ha, với 6.150 hộ tham gia và giá trị gần 310 tỷ đồng.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả như cây dược liệu ở Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai; cây chè ở Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên; cây quế ở Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng; cây chuối, dứa ở Bát Xát, Mường Khương…
Trong chăn nuôi đã phát huy lợi thế phát triển sản phẩm bản địa, đặc thù của địa phương đem lại giá trị kinh tế cao, như phát triển đàn bò vàng, trâu sinh sản ở Sa Pa, Mường Khương; nuôi ngựa, dê ở Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng; nuôi gà đen ở Si Ma Cai, Bảo Thắng...
Đến nay, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ như vùng chè đạt 7.533,8 ha, dược liệu hằng năm 890 ha, chuối 3.380 ha, dứa 2.200 ha, chăn nuôi lợn gần 434 nghìn con…
Tạo gắn kết trong liên kết
Bên cạnh kết quả đạt được, việc liên kết, hợp tác giữa nông dân với các doanh nghiệp vẫn còn không ít trở ngại, bởi nhận thức của nông dân về vai trò, quyền và lợi ích trong việc tham gia chuỗi giá giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao; nhiều hộ nông dân chưa quen sản xuất theo hợp đồng, không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt; thị trường tiêu thụ các loại nông sản thiếu ổn định có thời điểm gặp khó...
Theo ông Đỗ Văn Duy, thời gian tới, sở tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bổ sung nội dung, mức hỗ trợ liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP và phù hợp với nội dung, mức hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; dành nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, tạo ra hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...
https://baolaocai.vn/lien-ket-san-xuat-gan-voi-tieu-thu-nong-san-post371457.html