Người chăn nuôi không buông xuôi
Trận mưa lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Hàng trăm hộ đang đối mặt với khó khăn, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần khi hệ thống chuồng trại nhiều năm gây dựng, vật nuôi dày công chăm sóc đã bị cuốn trôi theo dòng nước.Sau trận mưa lũ lịch sử, trang trại gà của hộ ông Đỗ Cao Thọ, thôn Cầu Nhò, xã Trì Quang (Bảo Thắng) ngổn ngang xác gà. Chủ trang trại chỉ biết nghẹn ngào ghi lại những hình này để nhắc nhở về những thiệt hại nặng nề mà gia đình gánh chịu. Hơn 2.800 con gà đẻ trứng, 10 tấn thức ăn và nhiều thiết bị chăn nuôi mất trắng với tổng thiệt hại hơn 700 triệu đồng.
Mặc dù đã có phương án phòng, chống thiên tai nhưng ông Thọ không ngờ, đến giờ gia đình vẫn chịu thiệt hại nặng nề sau bão lũ: Khi đầu tư xây dựng chuồng trại, tôi đã tính toán đề phòng rủi ro, thiên tai, chuồng gà đã được tôn nền, gà được nuôi trên sàn cao. Vậy mà trận lũ ập đến quá nhanh, nước dâng cao, trại gà ngập kín chỉ trong vài tiếng đồng hồ khiến gia đình không kịp xoay xở nên đành “bỏ của chạy lấy người”. Nhìn đàn gà chết chìm trong dòng nước đục, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
“Trang trại gây dựng bao nhiêu năm của gia đình tôi giờ trở nên tan hoang, nhưng nếu cứ ngồi đó mà tiếc nuối thì cũng không thể bù đắp được thiệt hại. Vợ chồng tôi động viên nhau nỗ lực khắc phục, khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa lại chuồng trại để nhanh chóng tái đàn. Việc khôi phục sản xuất tuy khó khăn nhưng tôi đặt quyết tâm 1 tháng nữa sẽ vào lứa gà mới”, ông Thọ ngậm ngùi.
Trang trại của hộ ông Phạm Văn Xuân, thôn An Tiến, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) may mắn hơn khi kịp di chuyển 20 con lợn đến nơi an toàn và cứu được khoảng 4.300 con gà lên sàn áp mái, còn khoảng 700 con gà bị chết do nước lên quá nhanh. Mặc dù nước đã rút đi nhiều ngày nhưng những vết bùn đất in hằn trên tường nhà, chuồng trại, cây cối quanh nhà cao ngang người là dấu tích cho thấy sự tàn khốc của thiên tai.
Ông Xuân tâm sự: Nước lên nhanh quá, gia đình vừa phải sơ tán tài sản, vừa phải lo cứu đàn vật nuôi. Tính sơ bộ thiệt hại từ chuồng trại, vật tư, dụng cụ, thức ăn chăn nuôi khoảng 200 triệu đồng. Sau khi nước rút, được sự hỗ trợ của chính quyền, hàng xóm, gia đình đã thu gom chất thải, rác thải, vệ sinh khu vực chuồng trại để đưa gà về chuồng.
Mưa lũ đã khiến hơn 10.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 355 chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Bảo Thắng bị hỏng, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Ngay khi nước rút, Trạm Thú y huyện và các xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cán bộ thú y được cử đến từng xã, từng hộ bị ảnh hưởng trực tiếp hướng dẫn người dân phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại theo nguyên tắc nước rút đến đâu, dọn và phun ngay ở đó, đồng thời xử lý chôn lấp xác động vật; triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi sửa chữa, gia cố chuồng trại, hệ thống cung cấp nước...
Tại huyện Bảo Yên, mưa lũ đã làm chết hơn 38.000 con gia súc, gia cầm, ước thiệt hại 8,2 tỷ đồng. Huyện chỉ đạo các địa phương chôn lấp vật nuôi bị chết, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Một số hộ đã bắt đầu cải tạo lại chuồng trại, chuẩn bị tái đàn. Tuy nhiên, do thiệt hại quá lớn, nhiều hộ không có nguồn lực khôi phục sản xuất, đành gác lại sau.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi bị ngập bùn sau lũ, anh Nguyễn Văn Ký, tổ dân phố 9, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) tâm sự: Gia đình tôi đã di chuyển đàn vịt, gà lên chuồng trên nhưng trong quá trình chạy lũ, đàn gà mất sức, nhiễm bệnh nên bị chết hàng loạt, số còn lại, gia đình đang cứu chữa nhưng không mấy khả quan. Nước rút cuốn theo toàn bộ khu chuồng nuôi vịt và dụng cụ chăn nuôi, chuồng gà phía trên thì hư hỏng nặng. Bên cạnh thiệt hại về chăn nuôi thì toàn bộ diện tích nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động để trồng rau của gia đình vừa đầu tư năm trước cũng bị ngập sâu dưới lớp bùn cát, không khôi phục được, ước tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng.
Nhìn lớp bùn cát phủ dày hàng mét tại khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình, anh Ký chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bởi muốn khôi phục sản xuất cần kinh phí lớn để xúc đất đổ đi và đầu tư lại toàn bộ.
Không còn vốn để khôi phục sản xuất, hiện vợ tôi đi bán hàng thuê trên thị trấn, còn tôi đi làm thuê tại xưởng sản xuất ván bóc gần nhà
Mưa lũ không chỉ gây thiệt hại trước mắt đối với số vật nuôi đã bị chết. Nếu không thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng thì nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan rất cao. Ngành chức năng đang hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh.
Mặc dù bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ nhưng người chăn nuôi đã không buông xuôi, họ đã và đang chủ động khắc phục hậu quả thiên tai bằng cách dọn, sửa chữa, gia cố chuồng trại, tiêu độc, khử trùng môi trường… từng bước khôi phục, tái đàn.
https://baolaocai.vn/nguoi-chan-nuoi-khong-buong-xuoi-post391206.html