Những "đại sứ" của lòng dân
Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi được gặp gỡ và nghe nhiều câu chuyện về sự nhiệt tình, tâm huyết của nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số nơi vùng cao, biên giới.Thêm những tấm gương đại biểu vì dân
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo từ vùng thấp đến vùng cao. Để đạt được những thành tựu đó, có vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trong đó không thể thiếu vai trò của HĐND các cấp, đặc biệt là các đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số ở những xã vùng cao, biên giới.
Chính ở nơi đó, vai trò của những đại biểu dân cử như chị Ly Giá Sơ, anh Tráng Seo Xà, chị Nùng Thị Thu… càng trở nên quan trọng, bởi chính họ là những đại biểu ở cơ sở, gần gũi với Nhân dân nhất.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát cho biết: Nhiệm kỳ 2021 - 2026, huyện Bát Xát đã bầu 35 đại biểu HĐND huyện; 423 đại biểu HĐND cấp xã, trong đó có 337 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới với nhiều xã xa xôi, khó khăn, vai trò của đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số đã được phát huy. Một số đại biểu tích cực phát biểu ý kiến tại các kỳ họp; thẳng thắn đặt câu hỏi chất vấn các cơ quan có liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang được quan tâm; tích cực xuống cơ sở tiếp xúc cử tri, phát hiện những “vấn đề nóng” ở cơ sở, từ đó có nhiều ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có liên quan và với Thường trực HĐND để tổ chức các đoàn giám sát, làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục. Một số đại biểu tiêu biểu như chị Ly Giá Sơ, dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý; anh Đặng Hồng Sinh, dân tộc Dao, xã A Mú Sung; chị Phan Thị Hà, dân tộc Giáy, xã Quang Kim…
Một số đại biểu tích cực phát biểu ý kiến tại các kỳ họp, thẳng thắn đặt câu hỏi chất vấn các cơ quan có liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang được quan tâm
Tại huyện nghèo Si Ma Cai - nơi có 14 dân tộc cùng chung sống - nhiệm kỳ này huyện có 4 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 29 đại biểu HĐND huyện, 199 đại biểu HĐND xã, trong đó có 205 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Riêng cấp xã có 187/199 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 94%. Trình độ văn hóa của đại biểu HĐND cấp xã cũng được nâng cao khi có tới 62% có trình độ đại học. Đó là những người năng nổ, tích cực trong các hoạt động xã hội như chị Vùi Thị Khưởng, dân tộc Nùng, xã Nàn Sán; chị Vàng Thị Mai, dân tộc Nùng, thị trấn Si Ma Cai; anh Giàng Seo Dế, dân tộc Mông, xã Sán Chải…
Theo thông tin từ HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn tỉnh có tổng số 2.413 đại biểu HĐND các cấp là người dân tộc thiểu số (cấp tỉnh 28/55 đại biểu, cấp huyện 155/298 đại biểu, cấp xã 2.230/3.128 đại biểu). Đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số biết tiếng địa phương, am hiểu phong tục, tập quán của người dân nên có nhiều thuận lợi trong công tác.
Để hoạt động của đại biểu HĐND thêm hiệu quả
Kết quả đạt được trong hoạt động của HĐND các cấp có vai trò rất quan trọng của những đại biểu dân cử, đặc biệt là đại biểu người dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. Trở lại câu chuyện với chị Ly Giá Sơ, đại biểu HĐND huyện Bát Xát, Phó Chủ tịch HĐND xã Y Tý, từ kinh nghiệm của bản thân và qua quá trình công tác, chị Sơ cho biết: Nhìn nhận khách quan, một số đại biểu HĐND huyện và xã vẫn còn một số hạn chế về năng lực, kỹ năng hoạt động; số lượng đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nhiều, một số người giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị của huyện, xã nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND. Vì thế, cần tăng cường tập huấn cho các đại biểu theo hướng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng trong tiếp xúc cử tri, nắm và tổng hợp thông tin. Bản thân các đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số cần nâng cao tinh thần tự học, tự đổi mới, không ngại việc khó, không né tránh trách nhiệm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp nói chung, đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số khu vực vùng cao, biên giới nói riêng có rất nhiều giải pháp, nhưng trước tiên cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa “cơ cấu và chất lượng đại biểu”. Theo đó, trong công tác bầu cử đại biểu HĐND, trước hết phải đổi mới công tác hiệp thương, giới thiệu đại biểu, ứng cử đại biểu HĐND. Cần xem xét việc vừa đảm bảo cơ cấu, thành phần theo quy định, vừa đảm bảo trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và đảm bảo đại biểu phải có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; đại biểu HĐND huyện ở cơ sở nên xem xét giới thiệu chủ tịch HĐND cấp xã; đại biểu không phải là đảng viên nên giới thiệu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhưng phải đảm bảo về chất lượng…
Về nội dung này, theo ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Khương, giải pháp của HĐND huyện là thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND 2 cấp huyện, xã, qua đó, những kinh nghiệm quý, cách làm hay được chia sẻ, những bất cập, hạn chế, vướng mắc được chỉ rõ. Ủy ban MTTQ tăng cường giám sát việc thực hiện chương trình hoạt động toàn khóa của các đại biểu HĐND và lời hứa trước cử tri; Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND huyện, xã thường xuyên giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau giám sát; đổi mới việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND thường lệ.
Không chỉ ở cấp xã, cấp huyện, ngay trong tháng 3 vừa qua, HĐND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban 2 cấp tỉnh, huyện, tập trung bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao vai trò lãnh đạo đối với hoạt động của HĐND các cấp. Thường trực HĐND các cấp thường xuyên quan tâm tạo khuôn khổ pháp lý, định hướng hoạt động của các ban, tổ đại biểu HĐND; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đại biểu HĐND. Đối với các đại biểu HĐND cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hiệu quả; tích cực tự học hỏi, nghiên cứu nâng cao trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao vai trò lãnh đạo đối với hoạt động của HĐND các cấp.
Khép lại loạt bài này, từ câu chuyện về những đại biểu HĐND tiêu biểu là người dân tộc thiểu số đang lặng lẽ cống hiến cho mảnh đất nơi vùng cao, biên giới Lào Cai, chúng tôi càng hiểu rõ hơn vai trò của họ khi gánh trên vai sứ mệnh là “đại sứ” cho niềm tin, nguyện vọng của Nhân dân. Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, những tấm gương đại biểu HĐND tiêu biểu sẽ ngày càng có sức lan tỏa, là cầu nối quan trọng mang tâm tư, nguyện vọng của bà con tới các cấp, các ngành, giúp mảnh đất vùng cao, biên giới Lào Cai ngày càng khởi sắc.
https://baolaocai.vn/nhung-dai-su-cua-long-dan-post369030.html