Nguy cơ suy thoái phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế thế giới

Những số liệu thống kê đến từ các nền kinh tế lớn trên thế giới phản ánh mối lo ngại mạnh mẽ đối với thị trường và nguy cơ suy thoái phủ bóng lên bức tranh kinh tế thế giới. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và tác động mạnh tới các thị trường.

Ảnh minh họa.

Mặc dù vấn đề trần nợ của Mỹ đã đạt tiến triển khả quan, làm giảm nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới, song vẫn xuất hiện những yếu tố gây lo ngại cho tăng trưởng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự báo, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ suy thoái nhẹ năm nay, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong trung hạn. Đức đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm hai quý liên tiếp.

Nhiều tháng qua, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, nguồn cung tắc nghẽn trong khi cả xuất khẩu và tiêu dùng sụt giảm đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Đức và gây ra những biến động khác với quy luật phát triển kinh tế thông thường. Những tác động mọi mặt từ đại dịch Covid-19 rồi cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy kinh tế Đức đến bờ vực khủng hoảng. Ngân hàng Trung ương Italia (BoI) cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động lớn đến nền kinh tế nước này và châu Âu, khiến niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Trong báo cáo đánh giá kinh tế năm 2022, Thống đốc BoI Ignazio Visco cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động giá năng lượng, dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất. Theo ông Ignazio Visco, cuộc xung đột Ukraine là bước ngoặt trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng, lạm phát và thương mại thế giới. Khi lạm phát gia tăng, tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị.

Trong khi đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) mới đây đã có bài viết nhận định, do kỳ vọng đối với đà phục hồi kinh tế Trung Quốc suy yếu, giá các loại hàng hóa chủ chốt bao gồm kim loại đồng giảm 20%-30% so với mức cao nhất của năm nay. Đặc biệt, đồng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như cơ sở hạ tầng, ô-tô, sản phẩm điện gia dụng… nên biến động giá đồng được quan tâm sát sao. Giá đồng giảm mạnh phản ánh mối lo ngại của thị trường đối với sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc vốn chiếm 60% nhu cầu đồng toàn cầu.

Trên thị trường trái phiếu Mỹ, tình trạng bất thường lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ được gọi là “đảo nghịch lợi suất”. Thời gian kéo dài của hiện tượng đảo nghịch lợi suất này được coi là tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế ghi nhận kỷ lục dài nhất trong 42 năm qua. So sánh trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm và trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ sẽ phát hiện rằng, tính đến ngày 26/5, trạng thái đảo nghịch lợi suất đã kéo dài 226 ngày, ghi nhận kỷ lục dài nhất trong 42 năm qua.

Sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm cũng như tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất nhiều thập kỷ, đặc biệt nền kinh tế Mỹ được dự báo suy giảm, đã tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế yếu kém và tác động tới tăng trưởng toàn cầu.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn ba tháng và 10 năm có lúc nới rộng lên -1,9% vào đầu tháng 5. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York dựa trên chênh lệch lãi suất đã tính xác suất suy thoái của Mỹ là 68%, cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng Lehman Brothers và bong bóng công nghệ thông tin.

Tình hình vận tải biển với giá cước thấp phản ánh sức tiêu thụ yếu của châu Âu và Mỹ. Theo Sở giao dịch vận tải đường thủy Thượng Hải (Shanghai Shipping Exchange), cước phí vận chuyển hàng giao ngay từ Thượng Hải đến bờ Tây nước Mỹ vào tuần thứ 4 của tháng 5 là 1.398 USD đối với container 40 feet, từ Thượng Hải đến châu Âu là 859 USD đối với container 20 feet, giảm lần lượt 82% và 85% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp vận tải container nói rằng đây là mức giá không có lãi.

Nguyên nhân vận tải hàng hóa chậm lại là do tồn kho dư thừa tích tụ của ngành bán lẻ ở châu Âu và Mỹ. Chuỗi cung ứng hỗn loạn do đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải bảo đảm tồn kho, trong khi tiêu dùng tăng trưởng chậm lại do lạm phát. Tại Trung Quốc, xu hướng nhập khẩu quặng sắt và than đá suy yếu, cung và cầu trọng tải chở hàng chậm lại.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm đã nhường chỗ cho cảm giác thực tế hơn. Sức mua giảm, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm cũng như tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất nhiều thập kỷ, đặc biệt nền kinh tế Mỹ được dự báo suy giảm, đã tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế yếu kém và tác động tới tăng trưởng toàn cầu.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.