Xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng làm thay đổi mọi mặt đời sống các bản làng vùng cao Lào Cai
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đề ra mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”.Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của Nhân dân, Lào Cai đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn.
Cuối năm 2022, tuyến được trục thôn Cán Tỷ, xã Bản Xèo được mở rộng từ 3 mét lên 7 mét theo quy chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Phát huy vai trò của từng gia đình trong việc hiến đất mở rộng tuyến đường, khi được họp thống nhất, gia đình chị Tẩn Tả Mẩy đã chuyển một phần diện tích đất cây quế, chè của gia đình để nhường đất mở rộng đường, với tổng diện tích trên 600m2. Khi được chúng tôi hỏi, chị Mẩy phấn khởi nói:“Được thôn và chính quyền xã vận động, tuyên truyền hiến thêm đất mở thêm đường thì gia đình sẵn sàng hiến đất, có cây chè, cây quế gần thì gia đình chuyển đi chỗ khác trồng, còn cây khác thì chặt đi để hiến đất làm đường rộng thêm cho người dân mình đi lại tiện hơn, con cái đi học đỡ vất vả hơn”.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, người dân góp công, góp của xây dựng nông thôn mới. Khi tuyến đường thôn được mở rộng, bên cạnh việc hiến đất, bà con người Dao ở thôn vùng cao Cán Tỷ còn tích cực tham gia ngày công lao động. Anh Tẩn Láo San, Thôn Cán Tỷ, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát phấn khởi chia sẻ thêm: “Rất cảm ơn Đảng, nhà nước đã hỗ trợ mở thêm đường mới, bà con rất phấn khởi được mở thêm đường để nâng cao chất lượng cuộc sống của dân bản trên này, thuận tiện cho việc đi lại. Nên bà con đang rất tích cực góp công để sớm hoàn thành tuyến đường”.
Ông Chảo Chìu Lùng, Bí thư Chi bộ thôn Cán Tỷ, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết thêm: “Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, cùng nhau chung sức chung tay xây dựng nông thôn mới để thôn sớm hoàn thành thôn nông thôn mới trong năm 2023 này”.
Xã Bản Xèo đã về đích xã nông thôn mới từ năm 2018, tuy vậy khi bộ tiêu chí mới về xã nông thôn mới nâng cao được ban hành, địa phương vẫn còn một số tiêu chí đạt ở mức thấp, đặc biệt là tiêu chí đường giao thông nông thôn. Vì vậy trong năm 2022, trên 7km đường nông thôn mới trên địa bàn đồng loạt được mở rộng với sự đồng tình, ủng hộ cao từ phía người dân. Đây sẽ là chìa khóa mở ra sự phát triển kinh tế - xã hội tại các bản làng, đặc biệt là các bản làng vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, khi các tuyến đường hoàn thành. Ông Trần Kiều Hưng - Chủ tịch UBND xã Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết: “Hiện xã Bản Xèo đang tập trung thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng các tuyến đường làng, ngõ xóm…..Bà con Nhân dân thì rất phấn khởi, chủ động và đồng lòng cùng tập thể cán bộ địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển trên xã Bản Xèo”.
Còn tại xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, trên cơ sở và những kinh nghiệm trong xây dựng thôn kiểu mẫu Say Sán Phìn những năm trước, sau khi sáp nhập 3 thôn Say Sán Phìn, Chu Liền Chải và Sỉn Chù thành thôn Chu Liền Chải, việc tập trung nguồn lực để xây dựng thôn trở thành thôn kiểu mẫu đang được chính quyền địa phương và người dân tích cực triển khai.
Những con đường bê tông thay cho con đường đất dẫn vào từng hộ gia đình; những ngôi nhà trình tường sạch đẹp nằm ẩn mình bên những vườn lê, vườn mận – Một nhịp sống mới đang hình thành rõ rét ở thôn vùng cao này. Đổi thay của Chu Liền Chải là minh chứng khẳng định cho tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Bà Tẩn Thị Sử, Thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai phấn khởi nói: “Bà con mình ngoài trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế thì vào các ngày cuối tuần đều cùng tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm để cho thôn mình đẹp lên, phát triển hơn nữa”.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, kết thúc năm 2022, số tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, bình quân mỗi xã đạt 10,47 tiêu chí. Toàn tỉnh có 62 xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao, 1 huyện nông thôn mới. Toàn tỉnh cũng có thêm 177 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 237 thôn kiểu mẫu.
Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Các địa phương đã chủ động triển khai làm mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn; thường xuyên kiểm tra, rà soát kịp thời sửa chữa để các công trình hoạt động hiệu quả. Đến nay, 100% xã có đường giao thông được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% các thôn, bản có đường tới trung tâm thôn với khoảng 98% số thôn, bản có đường đi lại thuận tiện bốn mùa.
Toàn tỉnh hiện có 163 sản phẩm của 81 chủ thể thuộc 60 xã, phường, thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 26 sản phẩm 4 sao và 144 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Laocaitrade.vn; xttmnongnghiep.laocai.gov.vn; lazada, shopee, voso, pormart.vn.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng làm thay đổi mọi mặt đời sống của các bản làng vùng cao của Lào Cai. Cùng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được nhà nước đầu tư, với sự quyết tâm từ chính người dân, thay đổi được nếp nghĩ, cách làm trong xây dựng nông thôn mới, kết thúc năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 31 triệu đồng/năm. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%, tương ứng giảm 9.771 hộ nghèo, đứng thứ 8 về giảm nghèo ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Đời sống được cải thiện và nâng cao, Nhân dân tại các thôn, bản vùng cao có nguồn lực để chủ động thực hiện các tiêu chí thuộc phần việc người dân phải làm. Điển hình trong năm 2022, người dân đã cứng hoá được trên 1.300 nền nhà, xây mới 267 ngôi nhà, nâng cấp 715 nhà ở,… Các tổ chức, cá nhân và người dân đã ủng hộ trên 12,9 tỷ đồng tiền mặt, 148.775 ngày công lao động, hiến trên 816 nghìn m2 đất và nhiều hiện vật khác... để xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá gần 63 tỷ đồng. Sự chủ động, đồng thuận cao từ mỗi người dân đã giúp cho nhiều tiêu chí khó được duy trì và nâng cao.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần kiên trì, tập trung lãnh đạo, thực hiện. Lào Cai đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung cụ thể trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.
Lào Cai phấn đấu hết năm 2025 có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Lào Cai duy trì hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Bảo Thắng duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Bảo Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). Trong đó có 01 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu 74% số xã công nhận “Xã chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 40,4% xã đạt “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, 10,6% “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”. 60% sô thôn, bản các xã khó khăn được công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”.
Trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn (nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…); thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…
Cuộc sống mới trên mỗi bản làng vùng cao Lào Cai hôm nay là minh chứng cho thấy hiệu quả từ chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao đem lại. Phát huy được vai trò, trách nhiệm, sự đồng thuận cao từ mỗi cá nhân, gia đình, thôn bản….. chương trình xây dựng nông thôn mới đang góp phần thay áo mới cho các bản làng vùng cao Lào Cai, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, xây dựng một cuộc sống ngày càng ấm no hơn trên vùng đất biên giới Lào Cai./.