Chỉ thị 13-CT/TW: Tác động mạnh đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, điều dễ nhận thấy là nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh về công tác phát triển lâm nghiệp được nâng lên.
Chỉ thị 13-CTTW Tác động mạnh đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.png

Thực hiện Chỉ thị 13, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án quan trọng như Nghị quyết số 09 về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển nông - lâm nghiệp sắp xếp dân cư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025.

3.jpg

Cụ thể hóa nội dung chương trình, nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện như Kế hoạch số 185 triển khai thực hiện Nghị quyết số 09; Kế hoạch số 258 triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Dự án phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời ban hành 4 chỉ thị, 26 quyết định để triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Sau 5 năm triển khai Chỉ thị 13, thành công lớn nhất là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt. Số vụ vi phạm về bảo vệ, phát triển rừng giảm từ 239 vụ (năm 2017) xuống 164 vụ (năm 2022). Công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng đi vào nền nếp, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ.

4.jpg

Giai đoạn 2017 - 2022, diện tích rừng trồng mới của tỉnh đạt gần 44.000 ha, vượt hơn 30% so với mục tiêu. Người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng rừng, thâm canh kết hợp chuyển đổi cơ cấu từ cây lấy gỗ (như keo, mỡ...) sang các loại cây đa mục đích cho giá trị cao (như quế, bồ đề, trẩu...). Năng suất, hiệu quả rừng trồng tăng từ 12 m3/ha/năm lên 15 m3/ha/năm, riêng cây quế cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha/15 năm.

Tư duy sản xuất lâm nghiệp chuyển biến tích cực, từ mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã chuyển sang phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái. Tại vùng có điều kiện thuận lợi, nằm trong quy hoạch phát triển rừng sản xuất, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển rừng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến lâm sản. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến theo công nghệ tiên tiến, đồng thời hướng dẫn người dân khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 368 cơ sở chế biến, thương mại lâm sản với 22 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã, 332 hộ gia đình.

Xã hội hóa nghề rừng được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người dân quan tâm. Các nhà máy chế biến lâm sản được đầu tư xây dựng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Người dân làm nghề rừng có thu nhập ổn định từ rừng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2017 - 2022 tăng bình quân hơn 12%/năm, từ 1.548 tỷ đồng (năm 2017) lên 2.972 tỷ đồng (năm 2022), tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động nông thôn.

7.jpg

Công tác phòng, chống cháy rừng được tỉnh quan tâm đầu tư, chỉ đạo thực hiện, nhờ đó ý thức tuân thủ, chấp hành quy định pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên, giai đoạn 2017 - 2022 chỉ xảy ra 10 vụ cháy với thiệt hại 18,4 ha rừng.

Để tổ chức quản lý tốt diện tích rừng và đất rừng, hạn chế thấp nhất tranh chấp đất, rừng, việc giao đất được tỉnh quan tâm và kết quả đạt được rất khả quan. Đến nay, 9/14 chủ rừng Nhà nước đã được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 140.963/222.336 ha; 39.249 hộ gia đình, cá nhân được giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 132.132 ha; diện tích còn lại do UBND cấp xã quản lý chủ yếu ở vùng sâu, đỉnh núi, độ dốc lớn và nằm rải rác, phân tán, ít có khả năng sản xuất, kinh doanh. Sau khi hoàn thành xác định, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp và diện tích do UBND cấp xã quản lý, UBND tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực thực hiện hoàn thành công tác giao rừng.

5.jpg

Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh đặt mục tiêu phát triển rừng sản xuất, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung ổn định quy mô hơn 100.000 ha; cơ giới hóa trồng rừng tập trung đạt hơn 30% tại khu vực vùng thấp. Phấn đấu ít nhất 80% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận và có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, tín chỉ các-bon rừng... để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển. Phấn đấu độ che phủ của rừng đạt 60% vào năm 2025.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 13, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách, quy hoạch và tổ chức có hiệu lực, hiệu quả quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông - lâm trường quốc doanh. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành công tác đo đạc, xác định mốc giới, lập hồ sơ quản lý, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6.jpg

Đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh phát triển chế biến, thương mại gỗ và lâm sản. Phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; dịch vụ môi trường rừng; du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng; thị trường tín chỉ các-bon. Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

https://baolaocai.vn/chi-thi-13-cttw-tac-dong-manh-den-cong-tac-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-post368032.html

Theo baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.