Bảo tồn trang phục truyền thống của phụ nữ Mông xanh
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dân tộc Mông có nhiều nhóm ngành, trong đó, người Mông xanh có dân số rất ít hiện sinh sống chủ yếu ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn. Người Mông xanh hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nghề se lanh, dệt vải.
Người Mông xanh sinh sống tập chung ở thôn Tu Hạ và Tu Thượng xã Nậm Xé
Người Mông xanh ở Xã Nậm Xé hiện có 121 hộ với 715 khẩu. Se lanh, dệt vải là một trong những nghề truyền thống của người Mông xanh đã nhiều đời nay. Trang phục của người Mông xanh đơn sắc với màu chàm xanh đen là màu chủ đạo chứ không sặc sỡ như người Mông hoa, Mông trắng... Trang phục được thiết kế từ chất liệu vải lanh, do người phụ nữ tự trồng cây lanh, dệt vải, nhuộm chàm và thêu, may bằng tay. Để làm được một bộ trang phục truyền thống, cần phải trải qua rất nhiều công đoạn từ trồng lanh để róc lấy vỏ, đem tước nhỏ rồi se thành sợi. Sợi lanh được dệt thủ công bằng khung cửi để tạo ra những mảnh vải... Nói là vậy, nhưng mỗi công đoạn lại đòi hỏi sự tỷ mỷ, khéo léo của đôi tay người phụ nữ. Cũng chính bởi vậy, việc trồng lanh, dệt vải và may quần áo truyền thống là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm hạnh của phụ nữ Mông xanh. Khi phụ nữ về nhà chồng phải biết may những bộ quần áo cho mình, cho chồng và con.
Trang phục của phụ nữ Mông xanh gồm có áo, váy xếp nếp, tạp dề, thắt lưng, xà cạp quấn chân và khăn quấn đầu. Trong đó, chiếc tạp dề nổi bật nhất trong bộ trang phục truyền thống có thêu hoa văn thổ cẩm trang trí hình lá cây, hình zíc zắc, đầu trên đính dây vải màu xanh đỏ, tôn thêm vẻ dịu dàng của phụ nữ Mông xanh. Còn thắt lưng của phụ nữ Mông xanh cũng được làm bằng vải lanh dệt sợi chỉ mộc trắng và màu tím. Cũng có thắt lưng được chị em cầu kỳ thêu hoa văn lên vải mộc tạo nét duyên và điểm nhấn cho bộ váy áo khi mặc.
Ngoài váy áo, tạp dề, thắt lưng và khăn đội đầu, thì khi mặc trang phục truyền thống, phụ nữ Mông xanh còn đeo thêm các loại trang sức bạc như vòng tay, khuyên tai và vòng cổ gắn dây xà tích bạc và chùm chuông nhỏ. Không chỉ đeo vòng bạc làm trang sức, người Mông xanh còn đeo vòng bạc để chống tà ma. Tuy nhiên, chiếc vòng bạc “vía” này là chiếc vòng cổ gồm 3 dây bạc với các xà tích, tua tòng teng với nhiều hình thù gắn với nhau. Vòng trừ tà mà ở giữa nhất thiết phải có miếng bạc hình tròn được chạm khắc hoa văn tượng trưng cho Thần Mặt Trời. Theo quan niệm của người Mông xanh, Thần Mặt Trời có sức mạnh tối thượng trong đời sống tâm linh, ban phát sự sống và ánh sáng cho nhân gian.
Đặc biệt, phụ nữ Mông xanh khi mặc trang phục váy xếp nếp, có một “phụ kiện” đi kèm không thể thiếu đó là chiếc xà cạp để quấn chân. Bởi chiếc xà cạp có tác dụng giữ cho hai ống chân của phụ nữ được ấm không bị cỏ sắc đâm mỗi khi đi làm nương, không bị muỗi đốt, vắt cắn khi đi rừng… và tất nhiên, chiếc xà cạp còn tôn thêm vẻ đẹp độc đáo của trang phục váy áo của phụ nữ Mông xanh.
Các nam nữ thanh niên trong thôn Tu Hạ được hướng dẫn dệt vải.
Chị Vàng Thị Hoa, ở thôn Tu Thượng năm nay 21 tuổi nhưng đã có thể làm thành thạo các bước để cho ra một bộ quần áo truyền thống. Chị Hoa cho biết: “Với mong muốn tự tay làm được những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, ngay từ lúc còn nhỏ mình đã theo các bà, các mẹ để học cách trồng cây lanh, se sợi, dệt vải…Bây giờ thì mình đã có thể làm cho chồng, cho con những bộ quần áo truyền thống để đi dự những ngày lễ tết, ngày truyền thống của dân tộc. ngoài ra mình cũng có thể dạy những em gái nhỏ trong thôn nghề dệt truyền thống của dân tộc mình rồi”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nậm Xé - Vàng A Tớ: “Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cũng như Nghị quyết của Đảng bộ xã, để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông xanh, nghề dệt vải cũng đã được cấp ủy, chính quyền xã Nậm Xé đưa vào với mục tiêu gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước sẽ hỗ trợ để xã có thể triển khai một cách bài bản việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người Mông xanh như thành lập các tổ nhóm chị em cùng sở thích về dệt vải, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống… Từ đó, có thể vừa bảo tồn, vừa mở ra hướng mới trong phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”.
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập phát triển hiện nay, cùng với nhiều di sản văn hóa khác, trang phục truyền thống là tài nguyên văn hóa có giá trị và vai trò quan trọng không chỉ về văn hóa, bản sắc văn hóa mà còn có giá trị phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch. Mong rằng, khát vọng gìn giữ và phát huy nghề se lanh, dệt vải, thêu may các trang phục truyền thống dân tộc của Nhân dân xã Nậm Xé sẽ tiếp tục được các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện quảng bá. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông xanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.