"Những đứa trẻ trong sương"

Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) là bộ phim tài liệu gần 100 phút của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Đây là phim Việt Nam đầu tiên lọt top 15 Oscar đề cử hạng mục Phim tài liệu dài do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (AMPAS) công bố danh sách rút gọn cho 10 hạng mục của Oscar 2023.

Theo chân Má Thị Di - cô bé 12 tuổi người Mông sống tại thị xã Sa Pa - đạo diễn Hà Lệ Diễm đã có 4 năm cùng trải qua những ngày tháng tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, đến khoảnh khắc Di trở thành thiếu nữ và chứng kiến thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội khi đối diện với tục kéo vợ.


Tôi đến Sa Pa, hỏi đường vào nhà Di, đưa cả ảnh cho mọi người xem mà không ai biết. Khi nói với bà con rằng cô bé là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu nổi tiếng thế giới lại càng chẳng ai hay. Bởi vì ở nơi này chưa ai được xem phim, họ cũng không nghĩ rằng, một cô bé sinh ra và lớn lên với cuộc sống hết sức bình thường lại là nhân vật chính trong phim.


Nhà Di ở ngay lối đi Tả Phìn, nhìn thẳng ra Tu viện cổ. Căn nhà gỗ đơn sơ xung quanh là vườn mận trắng, vừa đến cổng đã thoang thoảng mùi chàm tỏa ra từ váy, áo phơi ngoài sân. Di nhanh nhảu và hiếu khách, cô bé có đôi mắt to tròn, 2 má hồng phúng phính và rất hoạt ngôn. 19 tuổi - bà mẹ 1 con nhưng với dáng hình nhỏ nhắn và tính cách tinh nghịch, nên Di không khác những đứa trẻ chỉ mới 14 - 15 tuổi.


Di kể cho tôi nghe về những ngày đầu gặp Diễm và trong suốt gần 4 năm 2 chị em cùng sống, quay phim, chia sẻ, tâm sự. “Những ngày đầu chị Diễm dùng máy quay lại cuộc sống của mình, em thấy thích thú, tò mò. Chị Diễm còn dạy chúng em quay phim, chụp ảnh. Cả nhà em quý chị Diễm như một thành viên trong gia đình. Dần quen với ống kính, nên chúng em cứ sống vô tư, hồn nhiên như bình thường. Em nói với chị Diễm rằng, em rất thích những ngày tháng được làm trẻ con. Những cảnh quay của chị có thể kéo dài tuổi thơ của em đúng không? Sau này già, nhìn lại những video này, em sẽ như được trẻ lại” - Di tâm sự.



Như bao đứa trẻ miền núi khác, 13 tuổi, Di cùng bạn bè hồn nhiên chơi đùa, lên nương, đi cấy, đi học, vui chơi lễ hội. Cuộc sống của Di bắt đầu gặp nhiều mâu thuẫn, xung đột vào một ngày mùa xuân, Di được cậu bé Vang trạc tuổi ở trong vùng chọn làm vợ. Di cố gắng chống lại sự sắp đặt theo truyền thống, nhưng cô bị lôi đi một cách thô bạo. Mẹ của Di mâu thuẫn giữa việc tôn trọng tục lệ hay bảo vệ hạnh phúc của con. Trong khi bà nội và bố cho Di quyền tự quyết định. Cuối cùng, Di quyết tâm chống lại tục lệ và trở về nhà.

“Em không chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu. Khi đó em mới 14 tuổi, em còn muốn đi học, đi chơi và chưa muốn lập gia đình theo cách kéo đi thô bạo như vậy” - Di kể. Tập tục này là cách mà mẹ, chị và nhiều đứa trẻ nơi Di ở đã lập gia đình.


Quyết tâm tự định đoạt cuộc sống của mình, đến năm 18 tuổi, Di mới lấy chồng, sinh con. Cô bé Di ngày nào giờ đã 19 tuổi, là vợ, là mẹ và có một gia đình hạnh phúc. Hằng ngày, Di cùng mẹ thêu, may thổ cẩm, nhuộm chàm, tự thiết kế váy, áo và các sản phẩm thổ cẩm để bán. Di còn lập riêng trang mạng xã hội mang tên “Di và mẹ Say”, trên đó em đăng bán các sản phẩm của mình làm ra và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Di cũng có ý định quay lại trường học khi có cơ hội.

Di và mẹ Say tự may, thêu, quảng bá và bán sản phẩm thổ cẩm.

“Chị Diễm gọi điện nói cho em biết là phim được đề cử vào giải Oscar. Chị giải thích cặn kẽ cho em là giải đó danh giá như thế nào. Em rất ngạc nhiên và vui mừng. Em mong chờ được xem phim, cũng mong phim được chiếu rộng rãi để bà con và những bé gái trong bản xem được, mọi người sẽ không biến tướng phong tục truyền thống thành hành động xấu, các bạn gái sẽ được quyết định hạnh phúc của mình” - Di bộc bạch.



Trước khi gặp Di, tôi may mắn được trò chuyện với Hà Lệ Diễm, đạo diễn 31 tuổi, cô gái Tày tới từ Bắc Kạn. Cuộc trò chuyện gần 2 giờ đồng hồ qua điện thoại vào thời điểm “Những đứa trẻ trong sương” vừa được công bố nằm trong danh sách đề cử giải Oscar. Diễm hào hứng chia sẻ về cơ duyên đến với Di và những đứa trẻ ở Sa Pa.


Đó là chuyến công tác năm 2016, Diễm tình cờ gặp bố Di và được ông dẫn về nhà. Sinh ra và lớn lên ở miền núi, chứng kiến cảnh Di vui đùa với bạn bè đã khiến Diễm nhớ lại tuổi thơ của mình. “Khoảnh khắc Di đùa nghịch, ánh mắt, nụ cười, sự trong trẻo khiến mình bất giác đưa máy lên quay. Mình muốn lưu giữ kỷ niệm đó”. Và rồi, những thước phim sống động, chân thực và sự tương tác với ống kính rất tự nhiên của Di và các bạn đã khiến Diễm quyết định quay thành phim tài liệu. Hơn 3 năm, mỗi năm khoảng 5 đến 6 lần, có lần vài tuần, thậm chí là cả tháng, Diễm đi về giữa Hà Nội và Sa Pa để quay lại cuộc sống của Di ở các thời điểm như chuẩn bị bước vào năm học mới, trước kỳ thi học kỳ, bắt đầu vụ cấy, giáp tết… Diễm thân thiết và sống cùng gia đình Di như một thành viên trong nhà.


Những mâu thuẫn bắt đầu vào năm 2018, Diễm thấy những thay đổi ở Di. Cô bé không còn thích những trò chơi như trước, Di lớn hơn và giống một thiếu nữ, nhiều cảm xúc, dễ vui, dễ buồn, có nhiều mối bận tâm hơn và dần trượt khỏi những giây phút hồn nhiên. Diễm bắt đầu lo lắng khi Di được nhiều bạn trai để mắt đến. Sự lo lắng của Diễm thực sự xảy ra, Di bị lôi đi làm vợ một cách thô bạo ngay trước mặt Diễm vào một ngày hội xuân.

Diễm chia sẻ: Mình biết tục kéo vợ của người Mông là một nét văn hóa nhưng mình không lường trước được truyền thống có thể tàn bạo đến vậy. Diễm không lên án hay phê phán điều gì. Diễm tôn trọng phong tục và văn hóa khác nhau, bởi suy cho cùng, chúng ta cũng là những người nhìn từ ngoài chứ không thực hành văn hóa của họ, nhưng nét văn hóa đó cần được hiểu và thực hiện theo đúng nghĩa.


Diễm tâm sự thêm: Trẻ ở đâu cũng hồn nhiên, dễ thương, ngây thơ, không có sự toan tính. Thế nhưng trẻ ở vùng cao thường chịu nhiều thiệt thòi, bởi cơ hội tiếp xúc với thế giới rộng lớn còn ít, cuộc sống còn khó khăn, thời tiết khắc nghiệt… Thông qua bộ phim, Diễm muốn những đứa trẻ vùng cao được tiếp cận với cơ hội học tập, vì bầu trời ngoài kia rất rộng lớn.

Trẻ ở vùng cao thường chịu nhiều thiệt thòi.

Ưu tiên sự thật, tối giản lời bình và hầu như không có bàn tay của đạo diễn, “Những đứa trẻ trong sương” được quay lại từ những thiết bị rất thô sơ. Gần 4 năm quay, 6 tháng dựng, bộ phim mang đến cho người xem những hình ảnh rất đời thường. Phim được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tính chân thực, đa chiều và đầy cảm xúc. Trước đó, “Những đứa trẻ trong sương” từng đoạt nhiều giải như Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Phim tài liệu quốc tế Amsterdam, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan Phim Balimakarya, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Liên hoan Phim Giáo dục của Pháp...

https://baolaocai.vn/bai-viet/364791-nhung-dua-tre-trong-suong

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...