Tạo không gian mới để phát triển kinh tế cho huyện Bát Xát

Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhưng thời gian qua Bát Xát chưa khai thác hiệu quả và vẫn là huyện nghèo. Chính vì vậy, Nghị quyết 36-NQ/TU ngày 27/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "định hướng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (Nghị quyết số 36) có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính chiến lược và dài hơi để địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh cho phát triển, trở thành cực tăng trưởng bền vững của tỉnh.
Bát Xát có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến.

Sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh nhưng khai thác chưa hiệu quả

So với nhiều địa phương trong tỉnh, Bát Xát có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế. Trước hết là mạng lưới sông, suối trên địa bàn huyện khá dày và phân bố tương đối đều. Sông Hồng chảy qua địa phận huyện Bát Xát với chiều dài khoảng 68 km. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hệ thống suối, khe dày đặc; các chi lưu lớn, dòng chảy của các dòng suối chính (suối Lũng Pô, Ngòi Phát, Ngòi Đum và Quang Kim) đã và đang được khai thác hiệu quả trong việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Bát Xát có nguồn tài nguyên rừng cũng như hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú và đa dạng. Ở vùng cao Bát Xát, hệ thực vật rừng có sự giao nhau giữa nhiệt đới và ôn đới, tồn tại đa dạng về nhóm, họ, bộ nhưng chủ yếu là dổi bà, gội tía, sến mật, de, trám, đa quả xanh... Hệ động vật rừng phong phú về chủng loại, đặc biệt là có nhiều loài động vật quý, hiếm như vượn đen, chồn vàng, cầy vàng bắp, cầy gốm, báo gấm, gấu, gà sao, sóc bay. Tài nguyên rừng phong phú, đa dạng là tiềm năng là thế mạnh để huyện khai thác phát triển du lịch sinh thái.

Bát Xát nằm trong vùng sinh khoáng của Việt Nam. Theo kết quả điều tra, thăm dò địa chất đã phát hiện nhiều điểm mỏ trên địa bàn. Đó là quặng đồng với mỏ đồng Sin Quyền kéo dài 60 km từ suối Lũng Pô tới thành phố Lào Cai, trữ lượng 53,5 triệu tấn, hàm lượng đồng trong quặng trung bình 1,03%. Đây là mỏ đa kim, ngoài đồng còn thu được vàng (trữ lượng 34,7 tấn), đất hiếm (333.134 tấn), lưu huỳnh (843.100 tấn), bạc (25 tấn). Quặng sắt có 16 điểm mỏ kéo dài từ xã Bản Vược đến xã A Mú Sung theo dọc bờ hữu sông Hồng. Các điểm mỏ có quy mô nhỏ nhưng hàm lượng sắt khá cao, chủ yếu là quặng manhetit như các điểm: Nậm Mít, Bản Pho, Tung Qua, Nậm Chạc Hồ, Na Non, Tân Quang, Cốc Mỳ, Bản Vược... Cùng với đó, trên địa bàn huyện có một số mỏ đá vôi, sét xi măng, sét gạch ngói, dolomit với trữ lượng lớn, chất lượng tốt, phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có một số mỏ khoáng sản như mỏ uranium ở xã A Mú Sung; cao lanh ở xã Tòng Sành; vàng sa khoáng, fenspat, molip đen ở xã Nậm Pung; đất hiếm ở xã Mường Hum với trữ lượng khoảng 3 triệu tấn; apatit chạy dài từ xã Lũng Pô tới xã Quang Kim...

Đặc biệt, Bát Xát sở hữu tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vô cùng đa dạng, phong phú để phục vụ phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện có một số điểm du lịch có cảnh quan tự nhiên đẹp, giàu giá trị văn hóa, lịch sử đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển một số loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, văn hóa, lịch sử như điểm du lịch Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt (xã A Mú Sung) gắn với Làng văn hóa - du lịch Mông tại thôn Lũng Pô II; điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải - nơi cội nguồn văn hóa người Hà Nhì đen tại Lào Cai; điểm du lịch cộng đồng tại cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng gắn với văn hóa dân tộc Dao đỏ; điểm du lịch chợ Mường Hum gắn với văn hóa chợ vùng cao; điểm du lịch trung tâm xã Bản Xèo gắn với văn hóa dân tộc Giáy.

Ngoài ra, nơi đây còn là mảnh đất có núi non hùng vỹ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trong đó ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia theo Quyết định 3437/QĐ-BVHTTDL ngày 12/10/2015. Nơi đây có lợi thế để phát triển du lịch với nhiều nét riêng độc đáo. Nếu như ruộng bậc thang ở xã Sàng Ma Sáo, Mường Hum mang lại nét thơ mộng thì Y Tý với những cung đường bên mây, thác nước hùng vỹ làm nên nét riêng của Bát Xát. Cùng với đó, du lịch chinh phục đỉnh cao Lảo Thẩn, Ky Quan San, Nhìu Cồ San đã và đang khẳng định được thương hiệu với du khách. Với tiềm năng phát triển du lịch, Bát Xát nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các phân khu du lịch mới tại huyện Bát Xát; UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, huyện Bát Xát.

Bát Xát có lợi thế so sánh. Đó là tuyến đường xuyên Á đi qua, có 2 cửa khẩu phụ, 5 tuyến đường bộ quan trọng (Quốc lộ 4D, Tỉnh lộ 156, 156B, 158, 155). Đặc biệt, khi khởi công xây dựng cầu Bản Vược (Bát Xát) - Bá Sái (Trung Quốc) và khu kinh tế cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát sẽ là điểm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam).

Bát Xát sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú phục vụ cho phát triển du lịch.

Tiềm năng, lợi thế là vậy nhưng những năm qua, Bát Xát chưa khai thác hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này nêu rõ trong Nghị quyết số 36: “Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh cho phát triển; tăng trưởng thiếu bền vững; sản xuất công nghiệp mới tập trung cho hoạt động khai khoáng, chưa thu hút nhiều dự án công nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm; đóng góp vào GRDP từ lĩnh vực du lịch, kinh tế cửa khẩu chưa tương xứng; chất lượng công tác quy hoạch còn thấp, thiếu sự liên kết; quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn bất cập; kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị thiếu đồng bộ; cơ sở vật chất phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, đến nay, Bát Xát vẫn là huyện nghèo”. Vì vậy, cần phải định hướng không gian phát triển cho huyện Bát Xát với tầm nhìn dài hạn, thống nhất, đồng bộ trong một số lĩnh vực trọng tâm, có tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho huyện phát triển nhanh, bền vững.

Hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế huyện Bát Xát

Theo Nghị quyết số 36, việc định hướng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hiện có làm cơ sở tập trung, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư giúp Bát Xát phát triển nhanh, bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác đối ngoại. Trong đó, xác định đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị là trọng tâm; phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến sâu là quan trọng; phát triển kinh tế cửa khẩu là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Trên cơ sở quan điểm nêu trên, mục tiêu đến năm 2030 được xác lập rõ ràng. Đó là hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế huyện Bát Xát, gồm hành lang phía Đông dọc theo trục sông Hồng, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu và hành lang phía Tây tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên. Đến năm 2030, đưa Bát Xát thoát khỏi huyện nghèo, tạo tiền đề vững chắc để trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.  

Xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng đồng bộ, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao Tây Bắc; tạo động lực mới để kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 15%/năm, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trong các khu đô thị; nâng cấp, mở rộng 100% tuyến đường đến trung tâm các xã, trung tâm các thôn, bản có lợi thế phát triển du lịch, nông nghiệp, làng nghề truyền thống.

- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt hơn 70%; tốc độ tăng trưởng công nghiệp hằng năm đạt hơn 15%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP chiếm khoảng 60%; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 8.500 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp thu hút hơn 150.000 lao động

- Xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng tốt nhu cầu cho các hoạt động logistics như vận tải, kho bãi, bốc xếp; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ phụ trợ; nâng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 10%. 

- Xây dựng, phát triển một số đô thị trên địa bàn, phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá toàn huyện đạt 45%.

 - Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá, xây dựng Y Tý thành trung tâm du lịch mới của tỉnh; tốc độ tăng trưởng du lịch hằng năm đạt hơn 20%; tỷ trọng dịch vụ du lịch trong GRDP chiếm khoảng 25%, doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.000 tỷ đồng; tổng lượng du khách đạt hơn 1,8 triệu lượt; toàn huyện có hơn 3.000 phòng lưu trú.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bát Xát trở thành huyện phát triển toàn diện, khai thác tốt lợi thế về vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; giữ vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.

 

Để xây dựng được không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát với hai hành lang kinh tế sẽ được xác lập, tỉnh Lào Cai và huyện Bát Xát cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ, chiến lược. Bí thư Huyện ủy Bát Xát - Nguyễn Trung Triều cho biết: "Nghị quyết số 36 rất quan trọng, định hướng rõ ràng bước đi với những lộ trình cụ thể cho địa phương. Vấn đề quan trọng là phải vào cuộc sớm, bằng những hành động cụ thể, với sự phối hợp tích cực của các sở, ngành”.

Đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn huyện Bát Xát.

Theo đó, 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xác định.

Một là, tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông kết nối. Hoàn thành quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên hoàn thiện các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực kinh tế trọng yếu của huyện như giao thông, đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch... khớp nối đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. 

Xác định trục giao thông động lực của huyện chạy dọc sông Hồng thông suốt từ thành phố Lào Cai đến xã Lũng Pô; xây dựng mới các tuyến đường kết nối ngang từ trục giao thông động lực; mở rộng, kéo dài các tuyến tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp III miền núi trở lên, bảo đảm giao thông thuận lợi đến các cửa khẩu, khu công nghiệp, khu du lịch Y Tý. 

Đầu tư mở rộng hệ thống đường giao thông liên huyện kết nối Bát Xát với các địa phương trong tỉnh, với huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) và với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn hiện có và các công trình giao thông nông thôn gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; coi giao thông nông thôn là điểm tựa cho giao thương kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Quy hoạch khu đô thị du lịch Y Tý.

Hai là, phát triển đô thị đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Từng bước đầu tư, nâng cao chất lượng đô thị; phát triển các khu vực ven đô thị để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn; chú trọng tạo dựng không gian văn hóa công cộng. 

Mở rộng thị trấn Bát Xát bảo đảm đủ điều kiện để nâng cấp lên đô thị loại IV, là đô thị phát triển dịch vụ, thương mại gắn với sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu và thành phố Lào Cai. 

Xây dựng xã Trịnh Tường trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ gắn với hoạt động của khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường, là cửa ngõ khu du lịch Y Tý, đáp ứng tiêu chí đô thị loại V, định hướng đạt đô thị loại IV. Xây dựng Y Tý trở thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ để phát triển du lịch xanh. 

Lựa chọn phương án thu hút, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực và kinh nghiệm theo quy hoạch và định hướng, yêu cầu của tỉnh. Xây dựng Mường Hum trở thành đô thị loại V, có vai trò là trung tâm văn hóa, thương mại, sản xuất chế biến, cung cấp các sản phẩm nông - lâm sản đặc trưng của huyện, đồng thời là điểm kết nối giữa Sa Pa và Y Tý. 

Quan tâm xây dựng nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp và trung bình; nâng cao nhận thức, trình độ, văn hóa cho người dân trong quá trình đô thị hóa; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại ở xã vùng thấp, giàu bản sắc, giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng ở các xã vùng cao.

Ba là, phát triển kinh tế cửa khẩu tạo động lực mới cho phát triển. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; hình thành một số khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, logistics, dịch vụ hậu cần và cụm dân cư tập trung trong khu kinh tế. 

Hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữ vai trò là hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, cảng cạn, khu, cụm công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phục vụ hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu; bảo đảm kết nối liên hoàn với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Thúc đẩy hoàn thành xây dựng cầu biên giới bắc qua sông Hồng, mở điểm thông quan Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc); hình thành và phát huy hiệu quả hoạt động các cặp chợ biên giới tại khu vực Bản Vược, Lũng Pô và Y Tý; đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua các lối mở, cửa khẩu của cư dân biên giới.

Nâng cao năng lực, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ hậu cần cửa khẩu như logistics, tài chính, lưu trú, viễn thông... Phát triển kinh tế số mà trọng tâm là thương mại điện tử; đồng bộ các hình thức thanh toán nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hoá thương mại, dịch vụ trong và ngoài nước theo các chuẩn mực quốc tế.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu: Khu công nghiệp gia công chế biến, đóng gói hàng xuất - nhập khẩu; Khu thương mại - công nghiệp phức hợp; Khu logistics (dịch vụ hậu cần); Khu thương mại công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bản Qua; Khu cửa khẩu Bản Vược. 

Quy hoạch trung tâm cụm xã Trịnh Tường.

Bốn là, tập trung phát triển du lịch, tạo đột phá mới cho phát triển. Xây dựng Bát Xát trở thành điểm kết nối du lịch quan trọng, hấp dẫn của tỉnh Lào Cai và cả nước. Trong đó, xây dựng xã Y Tý trở thành trung tâm du lịch đặc sắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đạt các tiêu chí của khu du lịch quốc tế gắn với giữ gìn lâu dài bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử của địa phương.

Phát triển và duy trì hiệu quả các tuyến du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tâm linh kết nối từ các xã Y Tý, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường gắn với khai thác hiệu quả dịch vụ tại các đô thị, sân golf. Phối hợp tốt với các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhất là với thị xã Sa Pa để điều tiết, tăng thời gian lưu trú và tiêu dùng của du khách với những sản phẩm du lịch sáng tạo, khác biệt.

Ưu tiên triển khai các dự án bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; chú trọng việc bảo tồn không gian các văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hoá, kiến trúc truyền thống dân tộc Hà Nhì, Dao, Giáy. 

Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển, đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch; xây dựng mô hình về du lịch qua biên giới.

Quy hoạch khu đô thị phía Đông thị trấn Bát Xát.

Năm là, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Đầu tư xây dựng đồng bộ Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường; cụm công nghiệp tại thị trấn Bát Xát, Trịnh Tường, Bản Vược... và các công trình, thiết chế phụ trợ; trong đó ưu tiên bố trí vốn đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối của địa phương để giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các nguồn lực khác.

Tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng gắn với chế biến sâu, nhất là đối với quặng đồng và quặng apatit. Ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường.

Ưu tiên phát triển công nghiệp gia công, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Xây dựng các nhà máy chế biến nông - lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đầu tư, vận hành hiệu quả các công trình thủy điện theo quy hoạch gắn với bảo vệ an toàn đập, hồ chứa, rừng đầu nguồn; điều tiết, cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường.

Sáu là, hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực phát triển. Tăng cường phân cấp, đổi mới trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, du lịch, công thương, chấp thuận đầu tư, quản lý tài nguyên và môi trường.

Xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện cụ thể; ưu tiên nguồn lực cho phát triển toàn diện hạ tầng, đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ của huyện; thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực trọng tâm của huyện; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương song song với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thành lập tổ chức quản lý khu du lịch Y Tý với mô hình tinh gọn, phù hợp để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch; ban hành quy chế đô thị du lịch, quy định về quản lý xây dựng, kiến trúc cho khu vực Y Tý và vùng phụ cận.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364758-tao-khong-gian-moi-de-phat-trien-kinh-te-cho-huyen-bat-xat

Theo Thanh Nam - Đức Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.