Muốn thu hút khách du lịch phải liên tục đổi mới và tạo được sự khác biệt
Sáng 21/12, Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đồng chủ trì hội nghị đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến tới các điểm cầu 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.Quang cảnh hội nghị. |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đại diện các bộ, ngành liên quan; các hãng hàng không, tập đoàn, công ty du lịch, lữ hành, vận tải, viễn thông…
Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai. |
Theo báo cáo tình hình đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, năm 2022, dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại. Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 20 tỉnh, thành phố trong nước. |
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp của các bộ, ngành cũng như nỗ lực toàn ngành du lịch, thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa, toàn ngành ước đón 101,3 triệu lượt khách năm 2022. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cả nước ước đón 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt hơn 70% kế hoạch.
Một số giải pháp được đưa ra trong năm 2023 nhằm thúc đẩy, thu hút du khách quốc tế như: Xem xét áp dụng cấp thị thực điện tử, đơn giản hoá các thủ tục cấp visa cho các thị trường khách du lịch; kéo dài thời gian tạm trú cho khách quốc tế (từ 15 ngày lên 30 ngày); mở rộng việc thiết lập đường bay kết nối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thị trường khách du lịch Việt Nam; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của du khách thời hậu Covid-19; kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch; quan tâm phát triển nhân lực du lịch.
Tại nghị hội, các đại biểu bộ, ban, ngành, hiệp hội, địa phương đã phát biểu và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để các địa phương, ngành, hiệp hội, cá nhân, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp liên quan tới nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phối hợp thúc đẩy thu hút khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, định hướng một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế như: Phải quán triệt tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch cần gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; gắn kết với các hoạt động kinh tế - xã hội theo từng năm, giai đoạn 5 năm; cần đảm bảo các điều kiện về trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn thu hút du khách phải tạo được sự khác biệt nên cần liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu theo quy luật thị trường. Nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch quốc tế tại các cơ sở, điểm, khu du lịch, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, giá cả phải chăng, giao thông thuận tiện; mở lại các đường bay, nâng cao chất lượng phục vụ của các hãng hàng không. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới, tạo môi trường phát triển du lịch lành mạnh, an toàn. Tăng cường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch để đảm bảo thuận lợi trong thanh toán, chi trả… Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển du lịch xanh và bền vững, bởi đây là một xu thế chung của thế giới.