Lào Cai khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch nổi bật
Lào Cai có nhiều lợi thế so sánh về tính đa dạng của tài nguyên du lịch, bao gồm các tài nguyên du lịch tự nhiên (dựa trên lợi thế về khí hậu, địa hình) và tài nguyên du lịch văn hoá (dựa trên lợi thế về các giá trị văn hóa dân tộc) để phát triển các loại hình du lịch.Sản phẩm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng
Điều kiện khí hậu tạo cho Lào Cai trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, đặc biệt đối với khách du lịch nội địa. Riêng đối với Sa Pa khí hậu được đánh giá là tài nguyên quan trọng bật nhất để phát triển du lịch. Ngay từ năm 1903, Sa Pa đã được người Pháp biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan hùng vĩ và đặt nền móng đầu tiên để Sa Pa trở thành “kinh đô nghỉ hè” của miền Bắc và là nơi nghỉ dưỡng ưa thích của các quan chức Pháp tại thuộc địa. Hiện nay, Lào Cai là địa phương đứng đầu khu vực Tây Bắc về dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng; đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.241 cơ sở lưu trú (901 khách sạn và nhà nghỉ, 340 homestay), đặc biệt đã có 03 khách sạn được xếp hạng 5 sao: Khách sạn Silk Path, Khách sạn De La Coupole và Khách sạn Aristo. Các khu resort nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh: Sapa Jade Hill Resort, Topas Ecolodge trong đó Topas Ecolodge là nơi đầu tiên của Việt Nam vào danh sách những khu nghỉ dưỡng độc đáo nhất thế giới do National Geographic bình chọn.
Khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge (Sa Pa).
Sản phẩm du lịch cộng đồng
Lào Cai là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng khu vực Tây Bắc, là tỉnh đầu tiên trong cả nước được nhận giải thưởng homestay ASEAN cho nhóm các hộ dân tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà và xã Tả Van, huyện Sa Pa.
Du lịch cộng đồng với 431 cơ sở lưu trú tại gia (homestay) phổ biến tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Hoàng Liên (thị xã Sa Pa), xã Y Tý (huyện Bát Xát), xã Tà Chải, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà),... Hiện tại Lào Cai có 2 nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa) và dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn Homestay ASEAN. Trong năm 2022, tỉnh Lào Cai đã đề xuất 03 đơn vị nhận giải thưởng ASEAN với các hạng mục homestay ASEAN và dịch vụ Spa ASEAN cho các đơn vị: Cụm homestay xã Nghĩa Đô, Chez Pa Homestay Bắc Hà và dịch vụ Spa khách sạn Silkpath Sa Pa.
Các địa phương phát triển du lịch cộng đồng nổi bật: Xã Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, San Sả Hồ (Khu du lịch Cát Cát) gắn với dân tộc Mông, Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao; du lịch cộng đồng và homestay Bắc Hà; du lịch cộng đồng và homestay Nghĩa Đô – Bảo Yên; du lịch cộng đồng và homestay Y Tý – Bát Xát...
Homestay Y Tý đại ngàn (Bát Xát).
Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh
Xác định du lịch tâm linh là thế mạnh thu hút khách du lịch đến tham quan và sử dụng các dịch vụ, thành phố Lào Cai đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điểm nhấn phát triển du lịch. Hiện Lào Cai có gần 30 di tích được đưa vào danh sách khai thác, phát triển du lịch tâm linh như: Chùa Đồn Phố Ràng, Đồn Nghĩa Đô, Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh (Bảo Yên); Đền Đôi Cô, Đền Mẫu, Đền Thượng, Đền Quan (thành phố Lào Cai); Đền Cô Tân An, Đền Ken (Văn Bàn); Đền Trung Đô, Đền Bắc Hà, Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà); Đền Mẫu (Sa Pa)...kết nối các chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô và Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) kết nối với các Đền như: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ). Đặc biệt quần thể các công trình văn hóa tâm linh Khu du du lịch Cáp treo Fansipan đã được đưa vào khai thác năm 2017 đã giành sự quan tâm của khách du lịch tâm linh.
Du lịch sinh thái, mạo hiểm kết hợp thể thao
Trải nghiệm bay dù lượn tại Y Tý - Bát Xát.
Với địa hình nhiều núi cao, thác nước, những khu rừng nguyên sinh rộng, Lào Cai đang khai thác triệt để loại hình du lịch mạo hiểm. Các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm độc đáo: "Chinh phục đỉnh cao": Đỉnh Fansipan (Sa Pa), Ky Quan San (Bát Xát); tuyến Sa Pa - Tả Giàng Phình – Ngũ Chỉ Sơn – Nậm Pung – Ky Quan San - Y Tý - Lào Cai; tuyến dã ngoại thăm quan bản làng khu vực Bản Xèo, Nậm Pung, Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Mường Hum (Bát Xát); Giải Marathon vượt núi quôc tế Việt Nam (VMM); giải đua xe đạp quốc tế “ 1 đường đua 2 quốc gia Việt – Trung”; sản phẩm dù lượn đã tạo nên những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn...Các sản phẩm du lịch sinh thái: Núi Hàm Rồng, Suối vàng Thác tình yêu, Thác Bạc; các tour du lịch khám phá trecking.... Du lịch trong Vườn quốc gia Hoàng Liên; du lịch sinh thái nông nghiệp thung lũng hoa Bắc Hà; các mô hình nhà vườn, hoa kết hợp dịch vụ du lịch... Lễ hội du lịch 4 mùa (Sa Pa), lễ hội mùa thu Bát Xát, Festival cao nguyên trắng Bắc Hà (ngày hội Xuân, sự kiện mùa hè, vó ngựa cao nguyên trắng). Lào Cai đã đưa vào vận hành khai thác hiệu quả Khu du lịch cáp treo Fansipan (cáp treo 3 đầu tiên tại Đông Nam Á) Khu vui chơi Sun World Fansipan Legend hàng năm thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp
Lê tai nung Bát Xát.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái phát triển mạnh được du khách ưu thích như: Mô hình phát triển trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của hợp tác xã địa lan Tả Phìn (Sa Pa); mô hình trồn hoa hồng cổ Sa Pa của hợp tác xã; mô hình trồng hoa hồng tại Vườn Hồng Bắc Hà; Mô hình hoa lan và hoa phố tại thung lũng hoa Việt Tú; Đồi chè Linh Dương tại thành phố Lào Cai. Du lịch nông trại cũng mới phát triển tại Lào Cai cách đây vài năm. Tuy nhiên điểm độc đáo của sản phẩm này đó là du khách sẽ được tận hưởng các sản phẩm từ mô hình nông nghiệp được tự tay thu hái rau, củ, quả: như vườn trồng dâu; mô hình trồng nấm hương tại Sa Pa; vườn lê Tai Nung tại Bát Xát; vườn mận Bắc Hà; mô hình trải nghiệm một ngày làm nghề nông như: Cày, cấy, trồng, thu hái sản phẩm nông nghiệp đang được du khách ưa thích khi đến với Sa Pa. Phát triển du lịch nông nghiệp cũng là động lực khuyến khích người dân cải tạo đồng đất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường và nâng cao thu nhập.
Sản phẩm tuyến đi bộ (Trekking tours)
Tuyến đường Sa Pa của Việt Nam được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất khắp thế giới dành cho du khách thích đi bộ nhẹ nhàng vào ban ngày. Trong đó có các tuyến: Sa Pa – Lao Chải – Tả Van – Bản Dền – Thanh Phú; Tuyến Sa Pa – Cát Cát – Sín Chải là những tuyến du lịch hàng năm thu hút được trên 20 vạn lượt khách du lịch nước ngoài trải nghiệm.
Từ việc phát huy lợi thế về các tuyến điểm du lịch và việc hình thành các tuyến đi bộ hấp dẫn tại Sa Pa. Du khách tham quan trên các tuyến này đều có thể ghé thăm các làng văn hóa du lịch cộng đồng bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên còn được thưởng thức các giá trị ẩm thực, được xem và tham gia sinh hoặt văn nghệ dân gian. Đặc biệt ở Sa Pa đã nghiên cứu cuộc sống hàng ngày của nhân dân để xây dựng các sản phẩm như: “Một ngày làm nông dân của người Dao”; “Một ngày làm cô dâu người Hmông”. Ở các làng du lịch cộng đồng từ văn hóa ngủ, văn hóa ẩm thực đến các làng nghề thủ công, thêu thổ cẩm và lời ca tiếng hát… đều trở thành tài sản, hàng hóa trao đổi với du lịch.
Sản phẩm du lịch làng nghề
Phụ nữ Thu Lao se sợi.
o Cai có nhiều làng nghề truyền thống gắn với nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh có 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống, 17 nghề truyền thống được công nhận. Các nghề và làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề như nấu rượu, may và thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc, nghề rèn, nấu rượu, làm hương đốt, làm bánh phở, nghề thảo dược và hương liệu, làm nến sáp ong, làm trống… Hiện 3 làng nghề có sản phẩm OCOP là nấu rượu xã Bản Phố (huyện Bắc Hà), nấu rượu xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa) và chế biến miến dong xã Bản Xèo (huyện Bát Xát).
Các làng nghề không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn./.