Kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2022
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến động về giá cả nguyên, vật liệu và dịch bệnh, thiên tai, song với sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 của Lào Cai đã được thực hiện thắng lợi và khá toàn diện.Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,02%, cao hơn 3,57 điểm % so với năm 2021, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so năm 2021. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đạt gần 68.000 tỷ đồng, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt 10.000 tỷ đồng, bằng 100% Kế hoạch điều chỉnh.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước cả năm đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, ước đạt 6.269 tỷ đồng, bằng 95% Kế hoạch. Việc triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia được chủ động, kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các dự án trọng điểm được tập trung đôn đốc, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện: Dự án Cảng hàng không Sa Pa, phần hạ tầng kết nối của Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược; hoàn thành, đưa nút giao cao tốc Phố Lu vào vận hành khai thác…
Các ngành kinh tế được phục hồi và phát triển sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định mặc dù phải chịu ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết bất thường và giá vật tư đầu vào tại một số thời điểm tăng cao. Chăn nuôi, thuỷ sản phát triển tương đối ổn định. Trồng rừng mới được thực hiện tích cực, cả năm ước đạt 7.000 ha rừng, đạt 128,4% Kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Sản xuất công nghiệp có nhiều cố gắng trong việc tháo gỡ khó khăn của các dự án lớn (luyện gang thép, DAP, apatit), một số dự án mới đi vào sản xuất ổn định (luyện đồng Bản Qua, thêu may xuất khẩu, các nhà máy thủy điện)... Giá trị sản xuất công nghiệp ước cả năm đạt 46.023 tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ.
Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước cả năm đạt 31.247 tỷ đồng, tăng 13,1% so cùng kỳ. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu ước cả năm đạt 2.322 triệu USD, đạt 52,8% Kế hoạch năm. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, lượng khách du lịch cả năm ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng gấp trên 3 lần so cùng kỳ, bằng 107,5% Kế hoạch, bằng 85% so năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch Covid-19). Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 15.130 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so cùng kỳ.
Chất lượng giáo dục Lào Cai đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt, xếp thứ 3/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trường Quốc tế Canada - trường quốc tế đầu tiên của tỉnh chính thức tuyển sinh và đi vào hoạt động. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì vững chắc, triển khai thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Có thêm 04 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể Quốc gia. Khám chữa bệnh được duy trì và thực hiện tốt ở các tuyến; công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh đạt 91,3%. Công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả và Lào Cai là một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng ở mức cao.
Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm đẩy mạnh triển khai; tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trong năm đạt 5,83%, vượt mục tiêu Kế hoạch đặt ra (4,5%). Sau khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, công tác giải quyết việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực, ước cả năm giải quyết việc làm mới cho 15.223 người, đạt 117% so Kế hoạch. Đào tạo nghề được 12.600 người, đạt 114,5% so Kế hoạch, tăng 18,5% so cùng kỳ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đạt 66,7%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%.
Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp thành dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Ra mắt Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng và triển khai thí điểm Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế,... An ninh, quốc phòng được giữ vững; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả, tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, tổ chức nước ngoài; chủ động làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đón tiếp và làm việc với 09 Đoàn Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam; qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh Lào Cai.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), cũng là năm tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Với chủ đề “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hành động - Phát triển”, tỉnh Lào Cai đề ra 25 mục tiêu và triển khai thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, chủ động xây dựng phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tiếp tục tập trung phục hồi sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường phát triển các nguồn lực ngoài nhà nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng và hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số. Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố với các ban Đảng, HĐND và các cơ quan, tổ chức khác.