Ấn tượng thác Tiên

Dịp ghé thăm thác Tiên, xã Dền Sáng (Bát Xát), chúng tôi có cơ hội khám phá vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của thác nước mà theo truyền thuyết là nơi các nàng tiên hạ phàm.

Ông Tẩn A Lù, người Dao, thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng là người dẫn đường cho chúng tôi tới khám phá, chiêm ngưỡng thác Tiên. Tương truyền, cái tên thác Tiên bắt nguồn từ một truyền thuyết được các già làng kể lại rằng, từ xa xưa, khu vực cụm ao Tiên, thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng này được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan đẹp, núi non kỳ vỹ, thác nhiều tầng, nguồn nước trong lành, khí hậu mát mẻ. Vì yêu thích vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và ruộng bậc thang nơi đây, các tiên nữ trên thiên đình thường hạ phàm vui chơi, tắm mát ở khu vực này. Vì vậy, người dân gọi nơi đây là thác Tiên và ao Tiên.

Rừng vầu đẹp tự nhiên và huyền bí.

Để tới được thác Tiên, chúng tôi phải đi bộ khoảng 20 phút qua rừng vầu và chè cổ thụ. Tôi thực sự bất ngờ, choáng ngợp và thích thú với việc đi bộ dưới những rặng vầu cao tít tắp, với cảm giác yên bình, thơ mộng. Theo ông Tẩn A Lù, cây vầu mọc hoàn toàn tự nhiên và được người dân bảo vệ theo phong tục địa phương, không ai vào rừng chặt, phá bao giờ. Vì vậy, rừng vầu ở đây mọc sum suê, san sát, lá cây rụng xuống phủ trên mặt đất tạo thành lớp thảm dày.

Vừa qua rừng vầu, còn chưa hết tiếc nuối với khung cảnh lãng mạn, chúng tôi được khám phá vùng chè Shan tuyết cổ thụ, với khoảng 2 ha nằm ngay dưới chân thác. Những cây chè cao sừng sững, vươn mình trong nắng, bật búp xanh non tua tủa. “Cây chè ở đây được người dân trong thôn giữ gìn, bảo tồn với những quy tắc nghiêm ngặt. Không ai tự ý tới đây thu hoạch chè để bán hay tích trữ cho cá nhân. Chỉ thi thoảng người dân dẫn khách vào tham quan thác Tiên hoặc có việc vào khu vực này thì hái vài nắm chè về đun uống, đãi khách”, ông Hoàng Kim Siểu, Trưởng thôn Ngải Chồ cho biết.

Qua rừng vầu và vùng chè cổ thụ, leo bộ thêm hơn 100 m, chúng tôi tới khu vực thác Tiên. Đứng từ xa, tiếng thác nước ào ào như mời gọi. Tầng thác cuối ẩn hiện sau một hang đá rộng lớn, với khe nước trong mát có thể nhìn thấu đáy. Ngược theo dòng nước đi vào bên trong hang, thác Tiên hiện ra như dải lụa trắng bắt nguồn từ đỉnh trời như thách thức sự tò mò, khám phá của những người tới đây.

Vẻ đẹp thác Tiên.

Thác Tiên nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, gồm 5 tầng thác, xuất phát từ đỉnh Lảo Thẩn. Càng lên cao, các tầng thác càng nhỏ dần, nhưng vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ mà kỳ vỹ, hiếm có. Để lên được các tầng thác, chúng tôi phải vượt qua nhiều điểm dốc đứng, trơn trượt. Dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của ông Lù, chúng tôi leo lên được tầng thác phía trên khi trời đã xế chiều. Đứng ở đây, những giọt nước li ti tỏa ra từ dòng thác như những cơn mưa phùn mát lạnh và ngắm nhìn cỏ cây, hoa lá khiến chúng tôi quên mệt mỏi, khó khăn của chặng đường vừa trải qua.

Du khách khám phá thác.

Cũng theo ông Tẩn A Lù, để thuận tiện cho du khách, người dân địa phương đã mở đường, kê đá, tạo bậc đi. Dưới chân thác, người dân cũng tạo thêm mặt bằng để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của khách khi khám phá nơi này. Hiện nay, 25 hộ trong cụm khu dân cư ao Tiên đang được giao quản lý và khai thác dịch vụ du lịch ở thác Tiên.

Trong hành trình khám phá thác Tiên, du khách sẽ được người dân dẫn đi tham quan ruộng bậc thang, ao Tiên, rừng vầu và vùng chè cổ thụ. “Huyện Bát Xát đã có kế hoạch xây dựng nơi đây thành điểm du lịch, nhằm hiện thực hoá Đề án 05 của Huyện ủy Bát Xát về việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025. Huyện cũng mong có thêm các nguồn đầu tư để xây dựng thác Tiên thành điểm du lịch hấp dẫn, vừa quảng bá nét đẹp của địa phương, vừa tăng thu nhập cho người dân”, ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết.

https://baolaocai.vn/bai-viet/362787-an-tuong-thac-tien

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lên Cốc Ly xem du khách nước ngoài dạo chơi chợ phiên

Gần đây, du khách ngoại quốc đến chơi chợ phiên Cốc Ly ngày càng nhiều. Mỗi phiên chợ đón hàng trăm du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.