Quýt Mường Khương – Thứ quả ngọt nơi điệp trùng núi đá
Mường Khương – miền biên viễn trùng điệp núi đá, nơi sương mây gió lạnh vấn vít bốn mùa, những cánh đồng lúa vàng ươm lấp ló trải dài giữa núi non, những nương ngô chớm vàng bẹ ngút từ chân đường tới đỉnh núi... Và giờ đây vùng đất này còn thấm đượm trong vị ngọt của trái quýt xứ Mường.Mường Khương nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, lại có tiểu vùng khí hậu ôn đới, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, sương mù và độ ẩm cao khiến cho chất lượng quýt Mường Khương vượt trội hơn hẳn các nơi khác. Trái quýt xứ Mường có đặc trưng trái to, vỏ nhiều tinh dầu, quả đều nhau, dậy mùi thơm, vị ngọt thanh, đặc biệt là rất mọng nước, khiến những người đã từng dùng qua không khỏi vấn vương.
Vườn quýt với hơn 4.000 gốc của chị La Sủi, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương.
Huyện Mường Khương hiện có 815 ha quýt, trong đó, diện tích cho quả là trên 400 ha, dự ước sản lượng đạt trên 5.000 tấn. Những quả quýt ngọt Mường Khương chia làm 3 giai đoạn thu hoạch: Quýt chín sớm, quýt trung vụ, quýt chín muộn. Mùa quýt Mường Khương tập trung từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Giá quýt tương đối ổn định, giúp cải thiện đời sống kinh tế của người dân, nó được ưu ái hơn khi được xem là loại cây mang cơ hội đổi đời, vươn lên cuộc sống ấm no, thoát khỏi cái nghèo của đồng bào dân tộc miền núi.
Tận dụng được vẻ đẹp của những vườn quýt trĩu quả, những quả quýt căng mọng, vàng ươm, vị ngọt, hương thơm trong từng quả quýt, người dân Mường Khương đã lên mô hình tham quan và thưởng thức trái ngon ngay tại vườn, với giá bán là 20.000 đồng đến 25.000 đồng cho mỗi kg quýt.
Các em bé thích thú khi được tận tay lựa chọn và hái những trái quýt thơm ngon.
Vườn nhà chị La Sủi, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương có hơn 4.000 gốc quýt, thu hoạch rải vụ từ tháng 8/2022 đến tháng 2 năm sau. Chị cho biết nhờ giá quýt phải chăng, vị ngon đặc trưng nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Năm trước tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhưng nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền và các đơn vị hỗ trợ, gia đình chị vẫn tiêu thụ sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử và hệ thống mạng xã hội. Năm 2022, doanh thu từ quýt đạt khoảng hơn 200 triệu đồng.
Những trái quýt "về xuôi" nhiều hơn nhờ áp dụng công nghệ.
Thời gian tới, huyện Mường Khương không chỉ tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ mà sẽ thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất quýt tạo mối liên kết ngang giữa những người nông dân, nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Đồng thời, các tổ hợp tác cũng sẽ liên kết dọc giữa nông dân và các đơn vị tiêu thụ quýt như các siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch.