Lào Cai: Đến năm 2025, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng
Đó là một trong 10 mục tiêu được đặt ra tại Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo Kế hoạch, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gấp 15 lần GRDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 7.500 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 10 - 15%/năm; Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị; 80 - 90% cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Trên 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; Trên 50% số người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM; Trên 90% số người nhận trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; Triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; Tăng cường phối hợp thúc đẩy TTKDTM.