Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 có 16.000 doanh nghiệp
Lào Cai xác định phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng.Trao quyết định chủ trương đầu tư cho 8 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025.
Sau 30 năm tái lập tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Lào Cai có sự phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, chất lượng hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút mạnh nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến hết năm 2021, Lào Cai có 6.000 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tỷ lệ đóng góp GRDP của khối doanh nghiệp trong những năm qua chiếm trên 66% GRDP của toàn tỉnh. Khối doanh nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 80.000 lao động, bình quân tăng 9%/năm. Đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân của tỉnh đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Lào Cai quan điểm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, khẳng định vai trò, vị trí của doanh nghiệp là nguồn lực, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh uỷ Lào Cai ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lào Cai thúc đẩy xây dựng mô hình “Chính quyền đồng hành và phục vụ doanh nghiệp".
Theo đó, Lào Cai phấn đấu có 16.000 doanh nghiệp vào năm 2030 và đóng góp từ khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 75% GRDP của toàn tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tối thiểu đạt 80%. Đây là mục tiêu lớn, thể hiện khát vọng phát triển của địa phương, mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, cần sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Lào Cai đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến thực chất, hiệu quả. Công bố công khai, minh bạch các thông tin kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách, quy hoạch… để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, lựa chọn cơ hội đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp theo thẩm quyền, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoáng sản, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, cấp các giấy phép kinh doanh có điều kiện… Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, tìm kiếm thị trường… để đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Lào Cai.
Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp. Trong đó có hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; tập trung xây dựng và hoàn thành sớm trung tâm logistics, kho hàng hoá đủ năng lực lưu trữ và luân chuyển hàng hoá phục vụ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu qua cửa khẩu của Lào Cai; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông quy mô lớn có kết nối liên huyện, liên tỉnh, liên vùng; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông thúc đẩy phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Tích cực đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền, thúc đẩy xây dựng mô hình “Chính quyền đồng hành và phục vụ doanh nghiệp”./.