Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức.Lào Cai quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ cho chuyển đổi số ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã có quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng Cổng thông tin điện tử về Chuyển đổi số quốc gia với 09 Cổng thành phần, đăng tải các nội dung chuyên đề về chuyển đổi số. Phát động và tổ chức Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) về chuyển đổi số, Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia – Viet Solutions" năm 2022. Khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ (Nền tảng One Touch) và tổ chức khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương; bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã và phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại các địa phương trên Nền tảng One Touch. Đến nay, đã có gần 13 triệu lượt truy cập vào Nền tảng One Touch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân. Mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đã được tiếp cận trên toàn quốc. Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về chuyển đổi số. Hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Ngày Chuyển đổi số Quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số thông qua nhiều hoạt động truyền thông phong phú, đa dạng. Đến nay, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét. Đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 10/2022, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số. Cơ bản các địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Công cuộc chuyển đổi số đã, đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét. 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo là Lào Cai, Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bình Định.
Hiện có 9 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thiết lập chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số với gần 6.000 tin, bài tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
62/63 tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số trên 300.000 thành viên tham gia. Từ tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu tổ chức phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại 63 địa phương và bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã theo Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số của Bộ trong năm 2022. Đến nay, đã có gần 6 triệu lượt truy cập vào nền tảng.
21 câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam được công bố để lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về chuyển đổi số tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn. 334 hồ sơ dự thi Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) "Chuyển đổi số quốc gia". 509 hồ sơ dự thi Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia – Viet Solutions” năm 2022. Gần 500 tập phim của Chương trình “Quốc gia số” đã được sản xuất và phát sóng trên kênh VTV1. Kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo đã thu hút 116.870 người theo dõi (tính đến ngày 28/10/2022).
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ về chuyển đổi số là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Chặng đường chuyển đổi số phía trước còn dài. Để chuyển đổi số thành công, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân./.