Lào Cai: Tăng khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những chuyển biến tích cực trong công tác dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ: Bảo đảm các hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, dịch vụ xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin và truyền thông. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp, vươn lên làm giàu.
Fanpage tiếng Mông của Đài PT-TH tỉnh Lào Cai đi vào hoạt động từ tháng 6/2021
Với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, công tác truyền thông luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa thông tin về cơ sở. Thực tế, người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu lớn trong việc tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật liên quan công tác dân tộc và chính sách dân tộc, hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo; chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục; bình đẳng giới; trợ giúp pháp lý; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; kiến thức khoa học nông nghiệp,…Để đáp ứng nhu cầu của người dân, công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội và truyền thông cơ sở. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đã chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số. Báo Lào Cai duy trì ấn phẩm Báo dành cho đồng bào dân tộc, phát hành 3 số/tháng. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh duy trì chương trình thời sự (trên sóng truyền hình, phát thanh) phát 3 thứ tiếng (tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Giáy). Trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội Facebook, Youtube của Đài thu hút hàng triệu lượt xem và tương tác. Đặc biệt, lượt người truy cập theo dõi các chương trình tiếng Mông, tiếng Dao bằng thiết bị di động khá đông, ở nhiều vùng địa lý khác nhau trong tỉnh, trong nước và một số quốc gia. Năm 2021, Đài PT-TH Lào Cai đã đưa vào hoạt động trang Fanpage bằng tiếng Mông, tiếng Dao trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Đây là phiên bản báo chí của Đài trên nền tảng số, dành cho đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao, được thiết kế dựa trên nhu cầu của đồng bào và xu hướng của báo chí hiện đại. Ngoài chương trình thời sự còn thực hiện các chuyên mục bằng tiếng dân tộc, một số chương trình thực hiện theo hình thức truyền hình thực tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền góp phần đưa thông tin nhanh chóng, lan tỏa đến từng người dân.
Với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng bưu chính, viễn thông, internet, hạ tầng truyền thông cơ sở đã bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông đảm bảo phủ sóng cho trung tâm 100% số xã, 97% số thôn; hạ tầng truy nhập internet băng rộng di động đảm bảo cung cấp dịch vụ tại trung tâm 100% số xã, 94% số thôn; hạ tầng truy nhập Internet băng rộng cố định (cáp quang) đảm bảo cung cấp dịch vụ tại trung tâm 100% số xã, 61% số thôn thuộc khu vực III. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng được dịch vụ thông tin di động mặt đất là 96,7%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng được dịch vụ truy nhập internet băng rộng di động là 73%.
Tỉnh Lào Cai cũng đặc biệt quan tâm đến việc triển khai chính sách hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2019- 2020, đã hỗ trợ và lắp đặt 4909 đầu thu truyền hình số vệ tinh (DTH) và 460 đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2) cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ 1.260 tivi và 1.225 radio cho các hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người, tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Điều này thực sự đã mang lại niềm vui cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con trong có thể chủ động tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông tin văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới, công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tăng khả năng tiếp cận thông tin cho các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Để bảo đảm những thông tin tới đồng bào dân tộc thiểu số là những thông tin chính thống, thông tin thiết yếu, có giá trị nâng cao nhận thức và giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trọng tâm là đổi mới hình thức tuyên truyền cơ sở, nâng cao chất lượng thông tin, đa dạng hoá ngôn ngữ truyền thông bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số; phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội trong các hoạt động tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cần trọng tâm, sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu và trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin truyền thông đồng bộ, đảm bảo nhân dân các thôn, bản tại các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ cơ bản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các vùng miền. Triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại một số xã vùng đồng bào dân tộc. Phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, hỗ trợ tốt hơn việc tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số.
Với phương châm: Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, các hoạt động tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.