Hiện vật và sứ mệnh

Mỗi hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện riêng, gắn liền với bao kỷ niệm của người lưu giữ. Chúng tồn tại và được gìn giữ để thực hiện sứ mệnh của riêng mình.

Cuối tháng Chín, đất trời sang thu, khép lại những ngày oi bức bằng cơn mưa cuối hạ âm thầm, rả rích. Bước qua màn mưa mỏng, người nhạc sỹ già khoác trên vai chiếc đàn ghi ta và bao kỷ vật gắn bó sâu nặng với cuộc đời mình lặng lẽ đến Bảo tàng tỉnh để thực hiện một điều với ông là thiêng liêng, đó là làm giàu thêm hiện vật cho Bảo tàng tỉnh bằng những kỷ vật của cá nhân. Ông là nhạc sỹ Phùng Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Lào Cai (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) và Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc tỉnh Lào Cai (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh).

Cuộc trò chuyện của nhạc sỹ Phùng Chiến và Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Thắng bắt đầu bằng lời tâm sự mộc mạc: Cả đêm qua tôi trằn trọc, 23 giờ vẫn loay hoay đi tìm kỷ vật. Đến 4 giờ sáng tôi đã thức dậy, chuẩn bị xếp sắp đồ, chỉ chờ mưa ngớt hạt, tôi lên đường, mang những kỷ vật một đời gìn giữ đến đây.

Cây đàn ghi ta đã theo nhạc sỹ Phùng Chiến từ những năm đầu tái lập tỉnh Lào Cai, nay được đặt ở một góc của bảo tàng. Trong giờ phút chia tay, nhạc sỹ già nâng niu chiếc đàn ghi ta, lướt những ngón tay trên từng sợi dây tấu lên bản tình ca tạm biệt. Âm vang trong thanh âm đó, người nghe nhận ra giai điệu của bài “Sa Pa  - nơi gặp gỡ đất trời”, tình ca đã làm nên tên tuổi của nhạc sỹ Phùng Chiến: “Sa Pa, chiều nghiêng huyền thoại/Mặt trời mọc lên từ má em/Phố nhỏ hiện lên từ trong mây/Ơi Sa Pa - nơi gặp gỡ đất trời…”.

Nhạc sỹ Phùng Chiến tấu bản tình ca làm nên tên tuổi ông như lời tạm biệt với cây đàn một thời gắn bó.

Trong không khí ấm tình, nhạc sỹ Phùng Chiến kể về cây đàn kỷ vật. Năm 1993, khi cơ quan ông công tác đặt mua 2 cây đàn ghi ta phục vụ hoạt động, nhạc sỹ Phùng Chiến được ưu tiên giao sử dụng 1 cây đàn. Kể từ đó, trong những chuyến đi đến bất cứ nơi đâu tìm nguồn cảm hứng sáng tác nhạc, cây đàn luôn đồng hành với ông. Khi những thanh âm của cây đàn cất lên, nhạc sỹ như được tiếp thêm hưng phấn, cảm hứng sáng tạo. Cây đàn ấy đã cùng ông đi khắp nẻo, làm nên những giai điệu của các bài hát: “Trẩy hội mùa xuân”, “Sa Pa - nơi gặp gỡ đất trời”, “Chiều Mường Hum”, “Cờ búa liềm sáng mãi núi Hoàng Liên…”.

Riêng với ca khúc “Sa Pa - nơi gặp gỡ đất trời” đã làm nên tên tuổi của ông, cây đàn ghi ta là điểm nhấn trong đó. Chuyện bắt đầu từ 40 năm trước, năm 1982 nhạc sỹ lần đầu đến Sa Pa và “phải lòng” cảnh sắc chốn này. Ấp ủ viết một ca khúc về Sa Pa được ông nuôi dưỡng và cần tới hơn 10 năm sau mới ra đời, đó là vào năm 1993, ca khúc được phối khí từ cây đàn ghi ta mới được cơ quan giao. Đến năm 1998 - 1999, khi ca khúc được chỉnh sửa, hoàn thiện, vẫn là cây đàn này truyền cảm hứng cho nhạc sỹ.

Nay cây đàn đã cũ, nhưng mang một sứ mệnh mới đó là trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ngoài cây đàn ghi ta, nhạc sỹ Phùng Chiến còn tặng Bảo tàng tỉnh một số bản thảo âm nhạc ông gìn giữ suốt mấy chục năm qua, một đĩa nhạc “Lửa cháy đêm xòe”, một chiếc cặp số của Liên Xô, một lá thư tay từ năm 1992. Tất cả đều là những kỷ vật mà ông gắn bó, nâng niu suốt dọc cuộc đời. Hôm nay, chúng rời ngôi nhà nhỏ của nhạc sỹ để bắt đầu một sứ mệnh mới.

Với đại đa số công chúng, hiện vật được gìn giữ, trưng bày trong bảo tàng là những minh chứng rõ nét, sinh động mang đầy hơi thở của lịch sử, thời đại, chất chứa trong đó bao giá trị văn hóa, tinh thần. Câu chuyện của ông Trần Trọng Dương, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) lại cho chúng tôi thêm một góc nhìn khác về giá trị của tư liệu, hiện vật.

Câu chuyện bắt đầu cách đây gần 20 năm, khi ông Dương tìm hiểu về lịch sử gia đình, mà cụ thể là về ông ngoại của mình - một chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp sát hại. Ông Dương tâm sự: Tôi và những người thân trong gia đình chỉ biết đến ông ngoại qua những lời kể chắp vá. Chỉ biết ông bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài ở Hải Dương.

Việc tìm thông tin cứ thôi thúc ông Dương. Một ngày kia, ông đến Bảo tàng tỉnh Hải Dương, lần giở những trang báo Pháp vào thời điểm năm ông ngoại ông bị thực dân sát hại, tay ông Dương run run lần từng dòng tin từ một bài báo đăng trên “Báo Đông Pháp”, số 1313, ngày thứ 6, 13 FEIER, năm 1931 có kể chi tiết vụ hành hình 4 người, trong đó có tên ông ngoại ông Dương.

Từ bản tin này, ông Dương tiếp tục tìm kiếm thông tin và ông đã tìm được tấm ảnh ông ngoại và hồ sơ vụ án năm xưa. Bức ảnh ấy đã được in phóng để gia đình, dòng họ thờ cúng, tưởng nhớ người đã khuất. Từ hành trình tìm kiếm thông tin về ông ngoại, ông Dương càng thêm yêu mến và hiểu rõ hơn giá trị của hiện vật. Đó không chỉ là một phần của lịch sử, minh chứng của một giai đoạn, thời kỳ, mà với ông và gia đình, đó còn là cầu nối, là mảnh ghép để đi tìm người thân trong câu chuyện quá cũ tưởng như không còn dấu vết.

Ý thức được giá trị của tư liệu, ông Trần Trọng Dương đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh Lào Cai gần 40 hiện vật và 2 bộ sưu tập (bộ sưu tập chữ ký của Bác Hồ và bộ sưu tập tiền cổ), trong đó có một số hiện vật đã gắn bó với những năm tháng khi ông là người lính chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn.

Vừa giở từng trang nhật ký được ông viết cách đây gần 50 năm ở chiến trường Trường Sơn một thời khói lửa, ông Dương vừa tâm sự: Câu chuyện trong đây đều được tôi ghi lại trong những giờ phút nghỉ ngơi, về cuộc sống và những đồng đội đã cùng tôi kề vai chiến đấu. Sau này, khi hòa bình lập lại, mỗi khi có dịp, tôi tìm đến những người bạn cũ, cho họ xem và để họ viết đôi lời vào đó như một cách nối dài chuyện cũ. Đó là câu chuyện nối đôi bờ thế kỷ, nằm lặng yên trên trang giấy đã ngả màu.

“Tôi hy vọng giá trị của những hiện vật ấy tiếp tục được phát huy, để thế hệ sau biết trân trọng hòa bình, lịch sử của dân tộc và cũng để công chúng có thêm sự tiếp cận, hiểu hơn về một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử đã qua”, ông Dương nói.

Năm 2017, UBND tỉnh triển khai cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng các tư liệu, hiện vật về lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh, nhằm bổ sung nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử địa phương, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân. Kể từ đó đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận gần 600 tư liệu, hiện vật từ các tập thể, cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho hay, phía sau mỗi tư liệu, hiện vật được hiến tặng là bao câu chuyện của người gìn giữ. Chúng mang hơi thở của thời đại, ắp đầy giá trị lịch sử, văn hóa. Mỗi hiện vật đều có một “linh hồn”  nên sau khi tiếp nhận, các cán bộ của bảo tàng tiếp tục tiếp cận, khai thác thông tin bổ sung liên quan đến giá trị của hiện vật để lập hồ sơ, nhập kho lưu trữ, phối hợp nghiên cứu. Việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật cũng được Bảo tàng tỉnh thực hiện để công chúng hiểu hơn về hiện vật và những lớp giá trị hàm chứa trong đó.

https://baolaocai.vn/bai-viet/361778-hien-vat-va-su-menh

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...