Giáo dục và Đào tạo Lào Cai: Lấy học sinh và giáo viên là trung tâm của chuyển đổi số
Xác định Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy và học với phương châm “Lấy học sinh và giáo viên là trung tâm của chuyển đổi số”.Các ứng dụng nền tảng quản lý chuyên ngành được tích hợp trên trang thông tin điện tử
trường THCS Lê Quý Đôn – thành phố Lào Cai
Ngành Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi giáo viên, mỗi người học, nâng cao năng lực tự học của người học; đào tạo đội ngũ nhà giáo và người học trở thành công dân số. Trong đó phấn đấu 80% trường phổ thông có triển khai dạy học trên môi trường số; tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trên môi trường số của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%; 50% học sinh, 100% giáo viên phổ thông có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả hoạt động dạy và học trên môi trường số; hình thành kho học liệu trực tuyến cấp tỉnh và thuê nền tảng học trên môi trường số phù hợp, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; các khóa học trên môi trường số đáp ứng 30% nhu cầu học tập suốt đời của người dân; đưa nội dung giáo dục kỹ năng số vào 100% trường phổ thông; 100% học sinh từ lớp 3 trở lên được học môn Tin học; khuyến khích trẻ mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 được tiếp cận giáo dục STEM và CNTT.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học công nghệ - kỹ thuật – toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM) cho các cấp học, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính cho phù hợp, đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm mã nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số; khuyến khích các học sinh tham gia các cuộc thi, sân chơi về lập trình,… Triển khai các ứng dụng nền tảng quản lý thông tin ngành Giáo dục đào tạo, gồm: Ứng dụng dạy - học trên môi trường số, thi trực tuyến; Diễn đàn chia sẻ thiết kế, chế tạo thiết bị thực hành và đồ dùng dạy học; Tuyển sinh đầu cấp; Kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; Hệ thống quản lý văn bằng, chứng chỉ; … Thực hiện chuyển đổi số hỗ trợ đổi mới phương thức giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học; tạo cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, cá nhân hóa việc học tập góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 tại trường Ngô Văn Sở - thành phố Lào Cai
Để triển khai các chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học, trong tháng 10 vừa qua, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch Covid-19” đã được triển khai đồng loạt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Triển khai các chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học và hoạt động thư viện; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích, tích cực phổ biến, giới thiệu các tài nguyên trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên tham gia diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu chia sẻ về sách, văn hóa đọc, nghiên cứu khoa học. Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ phối hợp, đồng hành, tài trợ cho các tổ chức, cơ sở giáo dục triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng internet một cách an toàn, hiệu quả cho học sinh, học viên, sinh viên, phụ huynh, cán bộ công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn; xây dựng và phát triển các ứng dụng, trò chơi miễn phí có tính giáo dục, tạo sân chơi hữu ích cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng (sách điện tử, truy cập sách báo điện tử bằng điện thoại, máy tính; đọc sách giấy...); tổ chức các lớp bồi dưỡng, tuyên truyền, cập nhật kiến thức kỹ năng, các lớp xóa mù chữ mọi người tại các Trung tâm Học tập cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
Hiện, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được trang bị hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục; 612/612 cơ sở giáo dục có kết nối Internet; 100% các cơ sở giáo dục đã được sử dụng phần mềm quản lý nhà trường vnEdu và phần mềm smas để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất; 95% giáo viên có thể ứng dụng CNTT cơ bản để hỗ trợ dạy học; Giáo viên cơ bản có trình độ, tiếp cận nhanh với các ứng dụng CNTT và sáng tạo trong chuyển đổi số, đặc biệt là các ứng dụng trong dạy học./.