Điều dưỡng viên - niềm tin của người bệnh
Điều dưỡng viên giữ vai trò quan trọng trong việc giao tiếp, lắng nghe người bệnh, thực hiện các thao tác chăm sóc sức khỏe, giúp người bệnh mau chóng phục hồi. Điều dưỡng viên còn là “bác sỹ tâm lý” giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân phối hợp tốt trong quá trình khám, chữa bệnh.Cách đây 32 năm, ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam được thành lập và sau này được chọn là ngày Điều dưỡng Việt Nam nhằm suy tôn, cổ vũ những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của các nhân viên y tế làm nhiệm vụ điều dưỡng.
Một tiết mục trong Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi. |
Năm 2022, lần đầu tiên ngành y tế tỉnh tổ chức Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi - “sân chơi” bổ ích để đội ngũ nhân viên điều dưỡng giao lưu, trình diễn chuyên môn và năng khiếu của bản thân. Điều dưỡng viên vốn thực hiện những “công việc không tên”, đơn điệu, lặp đi lặp lại, cảm giác như nhàm chán nhưng thực tế, qua hội thi, bằng sự sáng tạo, khéo léo, các nhân viên mặc blouse trắng đã sân khấu hóa thành các tình huống kịch tính, hấp dẫn, nội dung sâu sắc. Diễn xuất chân thực, dung dị của “diễn viên không chuyên” đã tạo hấp dẫn riêng cho hội thi. Đó là câu chuyện về những lần hiến máu cứu người bệnh đang nguy kịch trong phòng cấp cứu, tinh thần tận tâm hướng dẫn và tiếp đón người bệnh của điều dưỡng viên. Đó còn là những tình huống chuyên môn như buổi trực thâu đêm chăm sóc bệnh nhi ra đời thiếu tháng, sự thấp thỏm và hồi hộp của điều dưỡng viên khi theo dõi bệnh nhân đang đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết… Rồi cả những tình huống về “hậu phương” của các điều dưỡng viên, đó là con thơ mong chờ mẹ về sau các ca trực quá giờ, ca trực đột xuất; người chồng quán xuyến việc nhà để vợ yên tâm công tác.
Tôi may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với nhiều điều dưỡng viên. Điều dễ nhận thấy là dù ở cơ sở y tế công lập hay dân lập, cấp huyện hay cấp tỉnh, khi điều dưỡng viên đã khoác lên mình tấm áo blouse trắng thì phía trước đều là trách nhiệm cao nhất, sự tận tâm, tận lực. Ở mỗi cơ sở y tế, thời gian người bệnh tiếp xúc với điều dưỡng viên luôn chiếm hầu hết tổng thời gian bệnh nhân tiếp xúc với cán bộ, nhân viên y tế. Điều dưỡng viên có thân thiện, hòa nhã, tận tình hay không, bệnh nhân luôn là người đánh giá đầu tiên và cảm nhận rõ nhất. Mọi hành động của điều dưỡng viên cũng tác động trực tiếp tới tâm lý của người bệnh.
Điều dưỡng tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. |
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, những bệnh nhân điều trị tại Khoa Liên chuyên khoa đều có ấn tượng tốt với điều dưỡng trưởng Phạm Thị Hồng Nhung. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Yên Bái, chị Nhung nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, phần lớn thời gian làm việc tại Khoa Nhi. Năm 2021, chị được bổ nhiệm giữ chức vụ điều dưỡng trưởng, Khoa Liên chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng.
Chị Nhung cho biết, ở Khoa Nhi, tiếp xúc với bệnh nhân nhỏ tuổi luôn có những khó khăn riêng. Để đạt hiệu quả công việc, điều dưỡng viên phải vững về tâm lý trẻ nhỏ, luôn mềm mỏng, nhẹ nhàng trong tiếp cận bệnh nhân nhi. Bên cạnh việc thực hiện y lệnh của bác sỹ, điều dưỡng viên còn làm nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền, khuyên bảo các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách, đúng chế độ, nhất là phòng, chống dịch bệnh.
“Điều dưỡng viên vốn vất vả, thu nhập không cao nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau gắn bó với công việc, bởi những nụ cười, sự hồi phục của người bệnh luôn là nguồn năng lượng tích cực nhất để chúng tôi gắn bó, cống hiến cho nghề”, chị Nhung tâm sự.
Nữ điều dưỡng chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng. |
Xác định tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên điều dưỡng, những năm qua, các đơn vị y tế đã chú trọng nhiều hơn tới công tác đào tạo, phát động các phong trào thi đua thiết thực. Thông qua đó, khuyến khích đội ngũ điều dưỡng viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đề cao tinh thần “lấy sự hài lòng của người bệnh” làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
https://baolaocai.vn/bai-viet/361578-dieu-duong-vien--niem-tin-cua-nguoi-benh