Vườn quốc gia Hoàng Liên – trung tâm đa dạng sinh học quan trọng của Việt Nam
Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2022 theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2003, Vườn đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản thiên nhiên Đông Nam Á.Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên dãy Hoàng Liên, phía Tây Bắc huyện Sa Pa, cách thành phố Lào Cai 36 km và cách Hà Nội 350 km. Diện tích tự nhiên của vườn là 29.845 ha nằm trên đất huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai và huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu.
Diện tích rừng rộng lớn tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao, VQG Hoàng Liên sở hữu hệ động thực vật đa dạng, đặc hữu.
Khu vực Vườn Quốc gia này có địa hình khá đa dạng và phức tạp, có nhiều đỉnh núi cao trên 2000m, cao nhất là đỉnh Fanxipan (3.143m so với mực nước biển). Fanxipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Vườn Quốc gia Hoàng Liên là nơi giao lưu của hai tiểu vùng khí hậu là á ôn đới và nhiệt đới cao. Do vị trí địa lý và đặc điểm địa hình núi cao và hướng núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên sườn phía đông đón gió Đông và Đông bắc thường ấm và lạnh, độ ẩm cao, không có thời kỳ khô hạn, mây mù quanh năm. Sườn phía Tây chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên khô và ấm hơn. Hệ động thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên rất đa dạng, phong phú và độc đáo nhất Việt Nam, trong đó có nhiều loài chỉ còn tìm thấy ở Hoàng Liên mà không có ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Đến nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xác lập danh lục 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 150 loài nguy cấp, quý, hiếm (như vân sam Fansipan, thiết sam), gần 800 loài có giá trị dược liệu (như sâm vũ diệp, Hoàng Liên chân gà), khẳng định sự đa dạng các loài hoa lan (172 loài), hoa đỗ quyên (30 loài). Thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý, hiếm (phát hiện, công bố gần 20 loài mới cho khoa học, trong đó phải kể đến 2 loài lưỡng cư Leptolalax và Oreolalax cực kỳ nguy cấp, nằm trong Sách Đỏ thế giới).
Có thể nói, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là kho tàng gene quý hiếm và là Trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, trong số 701 loài đặc hữu của Bắc bộ thì có 22 loài tìm thấy ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Đặc biệt có 9 họ và 1 chi chỉ tìm thấy ở Hoàng Liên. Nhiều loài động thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên thuộc loài đặc biệt quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.
Một góc Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên có hơn 2000 hộ gia đình với hơn 12.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó người Dao và Mông chiếm đa số. Các cộng đồng dân tộc sống ở đây nổi tiếng là nơi bảo tồn được nhiều nét đẹp văn hóa. Đối với người Dao, Giáy, Mông, Tày, đời sống tinh thần của họ là câu hát, điệu khèn. Trong vùng có nhiều lễ hội mang đặc trưng riêng của từng nhóm dân tộc như lễ hội Sải sán (đi chơi núi) , lễ hội Gầu Tào (cầu phúc) của người Mông, lễ hội Cầu mùa của người Giáy, lễ Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, hội Tết Nhảy (nhảy múa) của người Dao đỏ...
Để tăng cường bảo vệ diện tích rừng tại khu vực đồng thời tạo sinh kế và gắn người dân vào việc quản lý rừng, Vườn quốc gia đã triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình, thôn, bản bằng nguồn kinh phí từ các dự án, kinh phí từ tỉnh Lào Cai và nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng…
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Hoàng Liên còn tăng cường triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch sinh thái dưới các hình thức liên doanh, liên kết; cho thuê môi trường rừng, đa dạng các loại hình du lịch, tổ chức các tour, tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm; tiếp nhận, cứu hộ các loài động, thực vật hoang dã, nuôi phục hồi chức năng và thực hiện tái thả động vật hoang dã về môi trường sống tự nhiên. Nuôi, trồng bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu của Vườn; nghiên cứu, nhân giống các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp cảnh quan, cây dược liệu cung cấp thương mại cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu… nhằm góp phần bảo vệ, phát triển rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên bền vững.