Dân vận khéo lan tỏa trong cộng đồng
Hơn 10 năm qua, Lào Cai có gần 3.200 mô hình “Dân vận khéo” ở nhiều lĩnh vực, góp phần mang đến cho đồng bào các dân tộc cuộc sống ấm no.Nở rộ mô hình “Dân vận khéo”
Nhờ làm tốt công tác dân vận, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) đã vận động nhiều hộ dân hiến đất mở rộng đường trục thôn. |
Ngày đầu tháng 10, ông Phạm Minh Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) cùng ông Đỗ Công Đĩnh, Trưởng thôn Chính Tiến đi dọc tuyến đường trục thôn để kiểm tra lại toàn bộ đoạn đường 2,5 km chuẩn bị cho việc khởi công mở rộng mặt đường bê tông từ 3 m lên 5 m. Đây được coi là một sự kiện quan trọng của thôn và được hơn 160 hộ trong thôn mong chờ, chẳng khác gì vào thời điểm năm 2013 khi lần đầu tiên tuyến đường này được bê tông hóa.
Ông Đỗ Công Đĩnh, Trưởng thôn Chính Tiến cho biết: Trong 2 tháng, thôn đã tuyên truyền, vận động 25 hộ có đất bị ảnh hưởng đồng tình hiến đất để mở rộng đường với tổng diện tích lên tới 16.000 m2, trong đó có những hộ hiến hơn 1.000 m2 đất đang trồng quế, bưởi, ruộng, ao…
Ở xã Gia Phú, đến nay hầu hết các tuyến đường trục thôn được mở rộng 7 m, đổ bê tông kiên cố là nhờ bà con đồng tình hiến đất và góp tiền làm đường. Qua tuyên truyền của các thôn, phong trào hiến đất làm đường lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi bức tranh các thôn, bản trên địa bàn xã.
Theo bà Bùi Minh Huệ, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Thắng, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã và đang nở rộ mô hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, qua đó huy động nguồn lực lớn cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Phong trào gần đây có khẩu hiệu “Đường rộng, sáng điện, nhiều hoa/Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”. Thông qua đó, toàn huyện đã làm được gần 249 km đường điện, hơn 206 km đường hoa, 165 km đường cắm cờ theo mẫu… với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Hằng tháng, người dân đóng góp 150 triệu đồng để duy trì thắp sáng đường điện.
Các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế giúp đồng bào vùng cao nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. |
Là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, trên địa bàn huyện Bát Xát xuất hiện ngày càng nhiều mô hình “Dân vận khéo”. Giai đoạn 2022 - 2025, Bát Xát duy trì hiệu quả hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” và thực hiện mới 17 mô hình tại các xã, thị trấn, nổi bật là những mô hình cải tạo tập quán lạc hậu ở vùng cao.
Ông Vàng Seo Say, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bát Xát cho biết: Ở các xã Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo có mô hình cải tạo hủ tục trong đám tang đồng bào Mông, vận động bà con bỏ hủ tục đưa người chết ra phơi nắng và mổ trâu làm lý trước khi mai táng. Tại thôn Choản Thèn, thôn Lao Chải, xã Y Tý có mô hình vệ sinh đường làng, ngõ xóm do chi hội phụ nữ thực hiện. Thôn Tả Cồ Thàng, xã Trịnh Tường có mô hình chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường, góp phần làm cho thôn đồng bào Mông đổi thay rõ nét. Còn ở thôn Ná Rin, xã Mường Vi, Đoàn Thanh niên xã thực hiện mô hình đoàn viên, thanh niên không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Đối với lĩnh vực kinh tế, thời gian qua cũng có nhiều mô hình đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như tấm gương anh Vàng Văn Sưởng, dân tộc Giáy, xã Mường Vi mở xưởng chiết xuất tinh dầu sả và thành lập Hợp tác xã Mường Kim có doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm, được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Hoặc mô hình nuôi ong dế của anh Vù A Các ở xã Trịnh Tường; trang trại nuôi lợn đen bản địa của anh Lò Láo Tả, xã A Mú Sung; các mô hình tập thể chăn nuôi ngựa sinh sản theo hướng hàng hóa của đồng bào Giáy ở xã Mường Vi; mô hình trồng lê Tai nung của các hộ người Dao thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung; mô hình phụ nữ Hà Nhì làm du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý…
Công tác dân vận gắn với mô hình cánh đồng 1 giống ở thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin (Mường Khương). Ảnh: Kiều Thu |
Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa
Hơn 10 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp và đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.190 mô hình dân vận khéo ở các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế có 1.002 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 1.263 mô hình; lĩnh vực quốc phòng, an ninh có 695 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 188 mô hình. Toàn tỉnh có 1.653 mô hình được xếp loại tốt và 538 mô hình được biểu dương, khen thưởng ở các cấp.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được thực hiện gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Thông qua các mô hình dân vận khéo, các địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực và lực lượng tham gia công tác vận động quần chúng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận của Đảng. Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh đã có 3.761 tập thể, cá nhân điển hình, trong đó có 731 tập thể và 1.210 cá nhân được biểu dương, khen thưởng.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao. |
Đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Trong những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tổ chức hướng dẫn cơ sở khảo sát, lựa chọn trong triển khai thực hiện phù hợp với thực tế; tổ chức đăng ký, chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả.
Ngày 22/3/2022, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về cách thức tổ chức thực hiện phong trào; cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan cũng đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng các mô hình điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến và kịp thời động viên, khích lệ những tấm gương sáng trong cộng đồng.
https://baolaocai.vn/bai-viet/361301-dan-van-kheo-lan-toa-trong-cong-dong