Lào Cai “khoác” áo mới
Sau 31 năm tái lập (1/10/1991), giờ đây Lào Cai đang "khoác" trên mình tấm áo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Trong ảnh: Chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 8/2022. |
Sau 31 năm tái lập, diện mạo tỉnh Lào Cai đã thay đổi toàn diện. |
Lần này trở lại thôn Láo Lý, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai), tôi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay mạnh mẽ. Con đường bê tông vào thôn đang được nâng cấp, chỉ ít tháng nữa thôi sẽ rộng rãi hơn, giúp việc đi lại thuận tiện.
Ngay đầu thôn, nơi nhiều năm trước bùn đất, rác thải mất vệ sinh, nay được đổ bê tông sạch đẹp. Bí thư Chi bộ thôn Phạm Huy Cảm tự hào: Lần đầu tiên trong thôn không còn hộ đói, lần đầu tiên thôn có 16 học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã đăng ký học trung cấp nghề; 65 hộ hoàn thành xóa nhà tạm; thôn cũng đang hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế mới để khai thác hiệu quả lợi thế đất đai…
Láo Lý trước đây với đặc trưng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, toàn bộ hộ thuộc diện đói nghèo và là thôn khó khăn, lạc hậu nhất thành phố, thì nay đang xuất hiện những gam màu tươi mới. Hiện không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, có 15/75 hộ cận nghèo, 60 hộ nghèo. Kết quả dù còn “khiêm tốn” nhưng rõ ràng thôn Láo Lý đang tự vận động để tiến lên cùng sự phát triển của thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung. Để tạo ra những bước phát triển cho thôn Láo Lý hôm nay là sự dốc sức của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã Tả Phời và sự hỗ trợ cụ thể của người dân toàn thành phố. Thậm chí, thành phố đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đời sống của người dân thôn Láo Lý, ngoài bố trí nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ làm nhà, cứu đói, thành phố và các xã, phường cũng thường xuyên cử các tổ công tác về thôn để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục…
Nhiều loại cây, con giống mới đưa vào sản xuất giúp nâng cao đời sống cho người dân. |
Còn nhớ, cách đây ít năm, tôi có dịp đến bản Mo 3, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên), con đường nhỏ gập ghềnh đi rất khó, nhiều chỗ mưa trơn trượt phải dắt xe máy. Nhưng hôm nay đã khác, con đường bê tông rộng rãi ô tô lên tận thôn, đời sống người dân cũng được cải thiện. Trước đây, 100% hộ trong thôn thuộc diện nghèo, nhưng nay đã có 3 trong tổng số 61 hộ thoát nghèo, 6 hộ cận nghèo. Ngoài trồng lúa, sắn, người dân trong thôn còn trồng chuối và quế. Thôn có khoảng 50 hộ trồng quế, hộ nhiều nhất trồng gần 3 ha, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang, một số con em đã theo học lên bậc học THPT. Bí thư Chi bộ Ma Seo Quán tươi cười: Trước Đảng ủy xã phải cử đảng viên ở nơi khác và là cán bộ xã lên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, còn bây giờ chi bộ đã có 3/4 đảng viên là người trong thôn, trong đó có bí thư chi bộ Ma Seo Quán, đảng viên Vàng Seo Sẻng và đảng viên Lù Seo Vơ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự làm mới vùng nông thôn. |
Sự đổi thay của những thôn khó khăn nhất tỉnh đã phản ánh tiến trình vận động, phát triển mạnh mẽ của tỉnh Lào Cai những năm qua. Sự đổi thay toàn diện từ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương đến từng căn nhà, từng người dân. Sau 31 năm ngày tái lập (1/10/1991), giờ đây Lào Cai đang khoác trên mình tấm áo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Sự phát triển toàn diện và cuộc đổi thay ngoạn mục này là kết quả tương xứng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân trong hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Nổi bật, trong công tác giảm nghèo, ngày mới tái lập (năm 1991), tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm trên 50%, đến năm 2020 giảm còn 8,2%, tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm, vượt xa mục tiêu của Chính phủ là giảm 4%/năm. Trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đều xây dựng các đề án giảm nghèo; tỉnh chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, phù hợp với thực tế và yêu cầu của công tác giảm nghèo tại địa phương. Thậm chí ban hành nghị quyết riêng về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, với nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có cơ chế hỗ trợ kinh phí để tập trung chăn nuôi đại gia súc. Các cơ chế, chính sách trên đã giúp Si Ma Cai - huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ nghèo hơn 57% - đến nay giảm còn 13,09%.
Kinh tế của khẩu, công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đã và đang góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của địa phương. |
Lào Cai từ một tỉnh chủ yếu nhờ vào sự trợ giúp của Trung ương thì nay đang hướng tới cân đối được ngân sách để đảm bảo chi thường xuyên; từ chỗ chủ yếu hộ đói nghèo, nay không còn hộ đói, từng bước giảm nghèo hướng tới người dân có mức thu nhập trung bình đến cuộc sống khá giả; cơ bản các thôn, xã có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống giao thông khá đồng bộ; hệ thống y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân; 100% trường, lớp học được kiên cố hóa; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại ngày càng mở rộng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng...
Cơ cấu kinh tế có sự đảo chiều ngoạn mục. |
Cơ cấu kinh tế thời điểm tái lập năm 1991 chủ yếu là nông - lâm nghiệp, chiếm gần 62%; dịch vụ chiếm hơn 22% và công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm gần 16% thì nay đã thay đổi hoàn toàn. Kết thúc năm 2021, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm hơn 14%; công nghiệp - xây dựng chiếm gần 47% và dịch vụ chiếm hơn 39%. Thu nhập bình quân người dân đạt hơn 82 triệu đồng/năm; năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 37.160 tỷ đồng, cơ cấu nội ngành chuyển biến theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Du lịch trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19…
Tỉnh cũng rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư, "trải thảm" mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. |
Sau 31 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc trên mọi mặt. Yếu tố cốt lõi làm nên cuộc đổi thay kỳ diệu của tỉnh trong hành trình dài vượt gian khó chính là sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết tâm không ngừng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân trong tỉnh; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động tốt nguồn lực để phát triển.
Yếu tố cốt lõi làm nên cuộc đổi thay kỳ diệu của tỉnh 31 năm qua chính là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân. |
Mỗi giai đoạn lịch sử đều đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, tỉnh Lào Cai đã đánh giá, nhận diện lại mình, từ đó đưa ra những mục tiêu 5 năm tới và những năm tiếp theo. Trong đó sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, làm cơ sở cho việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhiệm vụ khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch, dịch vụ - thương mại, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số; phát triển nông thôn gắn với sắp xếp dân cư, trong đó Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về chiến lược phát triển hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc văn hóa, trở thành nguồn lực nội sinh cùng với nguồn lực khác xây dựng Lào Cai ngày càng phát triển bền vững hơn.
https://baolaocai.vn/bai-viet/360914-lao-cai-khoac-ao-moi