“Mối tình” xuyên quốc gia
Nằm ở hai bên biên giới với những điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện sống khác nhau, nhưng 2 năm qua, người Mông ở hai bên dòng sông Bá Kết thuộc thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã cùng chung tình hữu nghị. Mối tình xuyên biên giới đã góp phần giữ gìn an ninh nơi “phên dậu” của mỗi quốc gia.Để giới thiệu về “mối tình” tươi đẹp bên biên giới, anh Thào Hà, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Phương đưa chúng tôi đến thăm nhà văn hóa thôn. Nơi mà những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, người dân hai thôn thường gặp gỡ, chia sẻ để cùng nhìn lại và gắn chặt hơn mối thân tình và cũng là nơi lưu giữ rất nhiều bức ảnh lưu niệm của hai thôn.
Nhà văn hóa thôn Cốc Phương nằm sâu sau làn dân cư. Trên bức tường sơn trắng là những khung ảnh được đóng ngay ngắn. Anh Hà nhanh tay mở cửa sổ và bật thêm điện khiến không gian bừng sáng. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh chỉ cho chúng tôi từng bức hình và giới thiệu về những sự kiện: Đây là ảnh ghi lại buổi kết nghĩa vào năm 2013, ảnh sơ kết hoạt động kết nghĩa qua từng năm, ảnh hoạt động giao lưu văn hóa kỷ niệm qua các năm kết nghĩa... Mỗi bức ảnh gắn với một kỷ niệm về tình hữu nghị của cư dân hai bên biên giới.
Qua câu chuyện cùng những người con ở Cốc Phương, chúng tôi được biết, Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá đều là địa bàn người Mông sinh sống từ lâu. Hai bên có quan hệ quen biết lâu đời, có nhiều điểm chung về phong tục, tập quán. Để thiết lập mối quan hệ thêm gắn bó hữu nghị, từ năm 2013, được sự nhất trí của chính quyền hai bên, thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá đã tổ chức kết nghĩa. Không chỉ cùng nhau sinh sống hòa thuận, bình yên bên dòng sông Bá Kết, hai bên còn chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh biên giới. Mỗi khi có đám hiếu, đám hỉ thì thay nhau cử người sang giúp đỡ. Cũng nhờ mối quan hệ gắn bó, hai bên đã cùng xây dựng biên giới bình yên, no ấm, trở thành là một trong những điển hình về kết nghĩa giữa cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.
Theo thống nhất, từ khi kết nghĩa, mỗi năm một lần hai bên luân phiên tổ chức sơ kết vào dịp cuối năm để đánh giá hoạt động trong năm, cùng chỉ ra những nội dung hiệu quả để phát huy và những điều chưa làm được để cùng nhau cố gắng. Hoạt động sơ kết được tổ chức luân phiên giữa hai bên (năm chẵn tổ chức ở Trung Quốc, năm lẻ tổ chức ở Việt Nam). Gần đây nhất là Hội đàm sơ kết năm thứ 6 kết nghĩa giữa hai địa phương vào tháng 11/2019 được tổ chức tại thôn Cốc Phương. Anh Thào Hà giọng đầy sôi nổi nhớ lại hoạt động thắm tình bằng hữu: Hôm đó là ngày 15/11, những người anh em kết nghĩa ở bên kia biên giới sang Cốc Phương dự buổi hội đàm. Sau những cái bắt tay chào hỏi, hai bên cùng nhau đánh giá lại các hoạt động trong năm, chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh biên giới và cùng đề ra kế hoạch hoạt động của năm sau. Thời gian diễn ra chỉ trong một buổi sáng, nhưng bao câu chuyện ý nghĩa, bao kinh nghiệm hay được người dân hai bên chia sẻ cởi mở, thân tình.
Từ khi kết nghĩa, nhiều vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự đều được cư dân hai bên phối hợp có hiệu quả. Ví dụ như năm 2016, người Mông bên Trung Quốc báo mất một chiếc xe máy, hai bên cùng phối hợp với bộ đội biên phòng truy tìm, chỉ hai ngày sau đã tìm thấy chiếc xe máy do kẻ xấu lấy cắp giấu ở thôn Na Lốc 3 và trả lại cho chủ nhân. Còn cuối năm 2017, người dân thôn Cốc Phương báo có một cháu bé bị đuối nước ở sông, lập tức người dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá cử người đi dọc suối để tìm. Hai ngày sau thì tìm thấy thi thể cháu bị trôi dạt ở phía bờ suối bên Trung Quốc và trao trả cho gia đình đưa cháu về an táng…
Từ khi kết nghĩa, đồng bào Mông hai bên còn thường xuyên giao lưu, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nhiều năm trước, một số người Mông ở Cốc Phương đã sang học hỏi kinh nghiệm và mang giống chuối cấy mô, dứa về trồng tại địa phương. Sau vài vụ thu hoạch hiệu quả, nhà nhà thi nhau trồng chuối, trồng dứa, tạo nên vùng nông sản hàng hóa trù phú, xanh tươi. Nhiều gia đình giàu lên vì chuối và dứa, có người thành tỉ phú. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, vùng chuối Cốc Phương và các khu vực khác của Bản Lầu bị chứng bệnh vàng lá. Qua học hỏi kinh nghiệm của những người bạn bên kia biên giới, người dân Cốc Phương dần chuyển đổi sang trồng những loại cây khác, cho đất nghỉ một thời gian để tái tạo dưỡng chất, để cải tạo đất.
Nhờ tăng cường giao lưu, học hỏi, người dân Cốc Phương ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và khởi sắc trong phát triển kinh tế. |
Không chỉ có Cốc Phương kết nghĩa với tổ Tam Bình Bá, trên địa bàn xã Bản Lầu còn có thôn Na Lốc 4 kết nghĩa với đội Điền Phòng, nông trường Mã Hoàng Pao, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Các thôn biên giới của xã Bản Lầu trước đây đều có điểm chung là đời sống Nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng đến nay đã có nhiều khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới. Trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Cư Trữ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Hằng năm, chính quyền hai bên đều phối hợp tổ chức sơ kết để đánh giá hiệu quả của việc kết nghĩa giữa các khu dân cư. Từ đó, phát huy ưu điểm, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Đây là mối quan hệ hữu nghị hiệu quả cần phát huy và giữ gìn. Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, do dịch Covid-19 bùng phát và có những diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch bệnh, người dân hai bên biên giới không tổ chức gặp mặt trực tiếp mà tiến hành trao đổi qua điện thoại.
Với nhiều kết quả, việc kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa nhân dân và cấp ủy, chính quyền hai bên, góp phần xây dựng biên giới bình yên và ngày càng phát triển.
https://baolaocai.vn/bai-viet/360833-moi-tinh-xuyen-quoc-gia