Dấu ấn đối ngoại Việt Nam 2012

Một trong những điểm nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong năm 2012 là thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác chiến lược, chủ chốt, theo hướng đi vào chiều sâu và bền vững, nâng cấp quan hệ ngoại giao với các đối tác quan trọng, thúc đẩy quan hệ kinh tế thực chất với các nước, khu vực...

Sau nhiều chuyến công du kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chọn LB Nga là điểm đến đầu tiên tại châu Âu trong chuỗi hoạt động đối ngoại nhà nước của mình (tháng 7/2012). Chuyến thăm trở thành tâm điểm của truyền thông trong nước và quốc tế khi chứa đựng những yếu tố mới, đưa quan hệ ngoại giao hai nước sang trang.

Tại đây, ông được Tổng thống đắc cử V.Putin đón tiếp tại khu dinh thự của ông tại thành phố biển Sochi, điều chưa từng có trong tiền lệ các chuyến viếng thăm cấp cao giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đưa quan hệ hợp tác Việt - Nga lên tầm "đối tác chiến lược toàn diện".

 

Tổng thống Nga Putin đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại khu dinh thự của ông, TP Sochi. Ảnh: TTXVN
 

 

Với Tổng thống Putin, Việt Nam có lẽ là nước có "nhân duyên" đặc biệt khi ông chính là người đã ký văn kiện nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam lên đối tác chiến lược trong chuyến thăm Hà Nội năm 2001.

Năm 2012, không chỉ đưa mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam lên bước phát triển cao hơn, ông còn ký Sắc lệnh "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại" của LB Nga. Trong đó, khẳng định Việt Nam là một trong 3 đối tác chiến lược quan trọng nhất ở châu Á-TBD (Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam).

Sự bền vững, sâu sắc, thực chất của mối quan hệ thể hiện ở việc hai bên đưa ra hàng loạt chính sách hợp tác ở vùng Viễn Đông của Nga. Lần đầu tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm khu tự trị Nenets và dự lễ đón dòng dầu đầu tiên tại khu mỏ Tây Khosedayuskove của liên doanh dầu khí Rusvietpetro.

Trong chuyến thăm chính thức CH Singapore giữa tháng 9, khi đến thăm Trung tâm Công nghệ cao Fusionopolis, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt cho một loài lan mới màu vàng nhạt, có 5 cánh với cái tên “Trường Lâm” như một lời chúc cho đất nước Singapore phát triển bền vững và thịnh vượng.

Loài lan đẹp có cái tên biểu thị sự trường tồn này cũng có thể ứng cho những ý nguyện về sự phát triển quan hệ Việt Nam và Singapore, khi trong chuyến thăm của Tổng bí thư, hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.

Trong năm 2013, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ thăm chính thức Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký kết Tuyên bố về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đưa Việt Nam và Singapore trở thành cặp quan hệ đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

8 năm kể từ sau cuộc họp nội các chung lần thứ nhất, Việt Nam và Thái Lan mới lại tiến hành cuộc họp nội các chung lần thứ hai tại Hà nội vào cuối tháng 10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã nhất trí phấn đấu nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược trong thời gian tới.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Minh Thăng
 

"Chúng tôi nhận thấy cơ hội nâng cấp quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược cả ở bình diện song phương, khu vực và quốc tế, cả về chiều rộng và chiều sâu. Hai bên đã thống nhất thành lập một ủy ban hỗn hợp để thực hiện mục tiêu này" - Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu từ Hà Nội khi tham dự cuộc họp nội các chung.

Một đối tác ở châu Âu là Italia cũng đang kỳ vọng sẽ sớm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong năm tới nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Italia là một trong những nước châu Âu sớm tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên kỳ vọng sẽ đạt dấu mốc phát triển mới nhân chuyến thăm chính thức Italia của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm tới.

Trong năm qua, quan hệ Việt Nam và EU tiếp tục được thúc đẩy với việc hai bên chính thức ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác chiến lược toàn diện (PCA). Nhận định vị thế, vai trò của Việt Nam, EU cũng đã chính thức đề nghị Việt Nam ủng hộ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược EU - ASEAN....

Không chỉ những chuyến công du ra ngoài nước của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, năm 2012 dù kinh tế khó khăn bao trùm, số lượng đoàn cấp cao các nước thăm Việt Nam gia tăng mạnh.

Một chuyên gia ngoại giao cho rằng, so với năm 2011, số lượng đoàn cấp cao đến Việt Nam dự tính tăng gấp 4 đến 5 lần. Nhiều nước thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ cho thấy vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Điểm sáng của đối ngoại năm 2012, bên cạnh làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác quan trọng, đó là triển khai chủ trương "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế", coi trọng và phát huy vai trò trong ASEAN, phối hợp chặt chẽ với quốc phòng - an ninh trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh đó, nhìn xuyên suốt các sự kiện, điểm dễ nhận thấy là ngoại giao chính trị thuận lợi đã và đang thúc đẩy cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thông qua các cơ chế song phương và đa phương.

Đó là đàm phán các Hiệp định thương mại tự do then chốt như Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam với các nước hai bên bờ Thái Bình Dương bao gồm: Australia, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia, Peru, Chile và Mỹ. Đó là các FTA song phương với EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA)...

Bên cạnh đó là những hiệu quả tích cực cho việc vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Cho đến nay, đã có 34 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Thông qua ngoại giao kinh tế song phương, Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, giải quyết các vấn đề tranh chấp nảy sinh trong quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác.

(theo vietnamnet)

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...