Kết quả tích cực từ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong những năm qua, các cơ quan, địa phương của tỉnh đã chú trọng triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Qua đó đã cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn" (Chỉ thị 19), Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa và triển khai Chỉ thị 19 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; đưa nội dung dạy nghề cho lao động nông thôn vào văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Các cơ quan, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú, đa đạng, phù hợp với từng đối tượng; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý các chính sách về đào tạo nghề để phục vụ công tác tuyển sinh và vận động Nhân dân tham gia học nghề. Trong 10 năm đã thực hiện trên 30 phim phóng sự, hơn 800 tin bài phản ánh về công tác đào tạo, học nghề phát sóng trên truyền hình tỉnh, sản xuất trên 155 tin, bài; tiếp tục duy trì hiệu quả các chuyên mục, chuyên đề “Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Khoa học đời sống, “Kinh tế và phát triển”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”,…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp; 12 trung tâm có hoạt động giáo dục nghề nghiệp như: Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Tỉnh Lào Cai; Cao đẳng Lào Cai, Trung cấp Nghề Apatit Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh. Có 9/14 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề công lập được đầu tư mua sắm; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tiết học của ngành Trung cấp Tin học ứng dụng khoa Khoa học cơ bản - Pháp lý Hành chính tại trường Cao đẳng Lào Cai.
Từng bước đổi mới và đa dạng hóa các phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh,... Công tác điều tra xây dựng kế hoạch được thực hiện từ các thôn, bản. Việc khảo sát nhu cầu học nghề giúp cho việc mở các lớp dạy nghề sát với yêu cầu thực tế của từng địa phương. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã sửa đổi, bổ sung, thay thế 275 chương trình, 283 giáo trình dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. 100% chương trình, giáo trình được rà soát xây dựng mới theo Chương trình khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo nguyên tắc từ 70 - 80% thời lượng thực hành; thực hiện đổi mới cấu trúc chương trình đào tạo theo Modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp để học sinh, sinh viên khi ra trường đáp ứng được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Các cơ sở dạy nghề đã mở rộng thêm nhiều ngành, nghề, đáp ứng nhu cầu người học, thị trường lao động.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 158.700 lao động, trong đó có 93.041 lao động nông thôn được đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh (bao gồm có 14.697 lao động nữ, 8.434 lao động thuộc hộ nghèo, 1.007 lao động thuộc hộ cận nghèo, 99 người khuyết tật, 28.964 người dân tộc thiểu số). Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng đạt khoảng 65,93%. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp các địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo nghề; so với Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí số 14.3), đã có 95/127 xã hoàn thành tiêu chí số 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đạt 74,8%.
Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, việc xã hội hóa công tác dạy nghề được đẩy mạnh; thực hiện liên doanh, liên kết các trình độ đào tạo; thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề. Thông qua xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực chăm lo sự nghiệp dạy nghề, đặc biệt là quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế, như: Một số lao động qua đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa duy trì được nghề lâu dài có nơi chỉ xây dựng dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc xây dựng kế hoạch, giải pháp dạy nghề chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thời điểm sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Công tác xã hội hóa dạy nghề cho lao động nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chưa huy động được đông đảo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác hỗ trợ, đánh giá sau đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức; người lao động chưa nhận thức, đánh giá được đầy đủ mục đích, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, còn tâm lý ngại đi học nghề; nhu cầu người học, thị trường lao động thay đổi và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, nên một số thiết bị đào tạo sau một thời gian sử dụng không còn phù hợp...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19, tỉnh Lào Cai đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế xanh, bền vững góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề. Trong đó đặc biệt ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân các xã xây dựng nông thôn mới, xã phát triển du lịch, làng nghề,… Phối hợp tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động và ổn định thu nhập cho người dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và kỹ năng dạy nghề; nghiên cứu mời đội ngũ cán bộ, công chức, nghệ nhân, những gương sản xuất giỏi tham gia dạy nghề; khuyến khích liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp xây dựng bản đồ quy hoạch ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xuất khẩu lao động,…
Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu làm việc và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp.
Chuyển đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội; gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng lĩnh vực, của từng địa phương, của các doanh nghiệp và với nhu cầu việc làm của người lao động./.