Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu lần thứ 16

Ngày 21/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 16 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh nhằm đề ra một lộ trình hợp tác trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức vào thời điểm lịch sử bởi năm 2013 đánh dấu mốc 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU. Thủ tướng Trung Quốc đánh giá châu Âu là một "trục quan trọng" trong một thế giới đa cực và là "đối tác quan trọng" đối với Trung Quốc. Ông tuyên bố: "Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với EU và sẽ phối hợp với EU tăng cường mối quan hệ song phương, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu thảo luận về một hiệp định thư đầu tư Trung Quốc - EU, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận này sẽ đạt kết quả tốt.

Trước đó, ngày 20/11, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc và EU đặt mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào vị trí phù hợp trong tiến trình toàn cầu hóa để đẩy mạnh hợp tác song phương. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 16, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và EU là hai lực lượng lớn trong duy trì hòa bình thế giới, hai thị trường quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung và hai nền văn minh thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.

Ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục kiên quyết ủng hộ tiến trình hội nhập châu Âu, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và EU thể hiện sự tôn trọng, ủng hộ và khoan dung cũng như đối xử bình đẳng với nhau. Trung Quốc và EU cần lưu tâm những xu hướng cải cách trong lịch sử, nắm bắt cơ hội, đặt mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào một vị trí chính xác trong một thế giới đa cực và trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Hai bên cũng cần phát triển theo hướng đổi mới quan hệ hợp tác để mang lại lợi ích cho người dân của mình cũng như trên thế giới.

Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng Trung Quốc và EU cần mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, thúc đẩy đàm phán và dỡ bỏ các cơ chế bảo hộ thương mại; bày tỏ mong muốn phía EU tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc đến hợp tác đầu tư tại châu Âu. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi hai bên hoạch định một chiến lược hợp tác đến năm 2020, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đô thị hóa, khoa học công nghệ, hàng không vũ trụ và phát triển nền kinh tế xanh.

Về phần mình, các lãnh đạo EU đánh giá cao những thành tựu ấn tượng mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của EU đối với quá trình đổi mới sâu rộng mà Bắc Kinh đang tiến hành. EU cũng mong muốn duy trì các cơ chế đối thoại với Trung Quốc nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, đàm phán và ký kết các thỏa thuận đầu tư, cũng như thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

“Thỏi nam châm” BRICS

Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng...

Bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư não

Các nhà khoa học vừa tìm ra phương pháp mới để phát hiện ung thư não nhanh, chính xác và ít tốn kém hơn so với phương pháp thông thường.

Ngành du lịch có thể đóng góp kỷ lục 11.100 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Ngành du lịch dự kiến hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024; trong khi chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP.

Cơ hội nâng cao vị thế của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Mỹ Latin “kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây nhận định, nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm nay. Cơ hội việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus này được phát hiện ở người vào năm 1970.