Tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư đến Lào Cai
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai vừa có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp để bảo vệ tốt các loài chim hoang dã, di cư đến Lào Cai.Họa mi đất mỏ đỏ Red-billed Scimitar Babbler (Ảnh minh hoạ: Theo - https://birdwatchingvietnam.net)
Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư thông qua các khẩu hiệu, pa-nô, áp phích tuyên truyền, trên sóng truyền thanh truyền hình của địaphương; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan như: Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoangdã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn.
Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua, bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm.
Chỉ đạo cơ quan thú y, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện các bệnh, dịch có nguồn từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, tổ chức bảo vệ các đàn chim hoang dã, di cư khi xuất hiện trên địa bàn quản lý.
Chi cục Kiểm lâm Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm và đơn vị trực thuộc: Tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trên địa bàn tiến hành tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm khắc các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn theo đúng quy định của Luật lâm nghiệp, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Chỉ đạo các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tăng cường tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, các hoạt động sản xuất nông nghiệp kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, nhốt các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc hướng dẫn triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư bao gồm bảo vệ môi trường sống, tuyến đường di cư, điểm dừng chân của chúng; rà soát các vị trí, địa điểm các loài chim hoang dã di cư dừng chân để phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, các vùng chim di cư đến địa phận được giao quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định bảo vệ động vật hoang dã./.