Khẳng định vị thế mới
Thành phố Lào Cai có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai; là động lực, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; vị trí “cầu nối” giao thương quan trọng giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với vùng Tây Nam Trung Quốc.Đường cao tốc đoạn qua thành phố Lào Cai góp phần thúc đẩy giao thương. |
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 20/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030 (Nghị quyết số 06), thành phố đã phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 16,4%/ năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 125 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.700 tỷ đồng, chiếm trên 1/3 tổng thu ngân sách tỉnh; giá trị xuất - nhập khẩu đạt 3,2 tỷ USD; thương mại - dịch vụ phát triển vượt bậc, các loại hình dịch vụ tăng nhanh về số lượng, quy mô và chất lượng, lượng du khách tăng bình quân 40%/năm. Kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị ngày càng xanh, sạch, văn minh, hiện đại; tỷ lệ đô thị hóa đạt 74,7%; diện tích thành phố được mở rộng lên 282,13 km2 (gấp 1,27 lần); được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới tích cực; công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; hoạt động của bộ máy hành chính chuyển biến theo hướng tinh gọn, phù hợp thực tiễn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đối ngoại được mở rộng, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Đến nay, thành phố đã đạt 3/5 tiêu chí của đô thị loại I, khẳng định vai trò thành phố hòa bình, hữu nghị, hợp tác đối ngoại của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Việc triển khai thực hiện quy hoạch luôn gắn với đầu tư hạ tầng đô thị. |
Sau 30 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ, đặc biệt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, mang tầm vóc của một đô thị hiện đại, góp phần quan trong vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập, việc phát triển thành phố Lào Cai lên tầm cao mới tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đó là yêu cầu tất yếu phù hợp với mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, đó cũng là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai. Mục tiêu và khát vọng này được hiện thực hóa bằng Nghị quyết số 16 ngày 1/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, thành phố Lào Cai tiếp tục được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; hạt nhân, tạo sức lan tỏa, phát triển cho các huyện, thị xã; là cơ sở, động lực, bảo đảm xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc. Do vậy, việc xây dựng thành phố Lào Cai phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, đô thị thông minh không chỉ là nhiệm vụ của thành phố, mà còn là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của tỉnh.
Diện mạo mới của thành phố Lào Cai. Ảnh Ngọc Bằng
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, thành phố Lào Cai là đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất - nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Lào Cai là thành phố giàu đẹp, thông minh và hiện đại; thành phố phát triển toàn diện thuộc nhóm các thành phố phát triển của cả nước.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, thành phố Lào Cai thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng đô thị loại I, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng giao thông kết nối vùng, đối ngoại. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lào Cai phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; phát triển đô thị thành phố Lào Cai gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, có tính kết nối thành phố với khu vực, đồng thời có tác động lan tỏa liên kết phát triển vùng; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kinh tế cửa khẩu- mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thành phố Lào Cai. |
Thành phố tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ, du lịch - thương mại là mũi nhọn, chiếm tỷ trọng chủ yếu; công nghiệp là trụ cột, thu hút nguồn nhân lực; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là quan trọng. Theo đó, phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Lào Cai gắn kết chặt chẽ với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, có tính đến yếu tố mở rộng địa giới thành phố Lào Cai; xây dựng thành phố Lào Cai trở thành điểm kết nối du lịch quan trọng của vùng và quốc gia, kết nối với Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, Khu Du lịch Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin, ưu tiên các ngành ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm thu hút nhiều lao động...
Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu, tạo động lực phát triển thành phố và có tác dụng lan tỏa ra toàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân; khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp.
Thành phố Lào Cai thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. |
Phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, trở thành trung tâm của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, sánh ngang với các thành phố lớn trong cả nước.
Xây dựng thành phố trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của vùng, cả nước; chăm lo phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là các nội dung liên quan đến đất đai, tài chính, nguồn nhân lực, công tác tổ chức, cán bộ để tạo bước đột phá cho sự phát triển.
Với những chủ trương lãnh đạo đúng của Tỉnh ủy, những quyết sách của Trung ương, cùng với niềm tin, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân sẽ là nền tảng, động lực, cũng là nguồn lực để thành phố Lào Cai phát triển tầm cao mới, khẳng định vị thế mới.
HOÀNG ĐĂNG KHOA
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai
https://baolaocai.vn/bai-viet/360005-khang-dinh-vi-the-moi