Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế.

Tháng 9/2014, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế trong nước, tuyến đường này còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại của các nước ASEAN và Trung Quốc, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông. Tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong khu vực, trong đó có Lào Cai phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển giao thương quốc tế. Những năm qua, nhiều tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc này đã và đang tiếp tục được triển khai, từng bước tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng và cả nước và quốc tế. Mới đây nhất là 2 tuyến đường kết nối Lai Châu và Nghĩa Lộ (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được khởi công.

Hạ tầng giao thông được đầu tư tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng và cả nước và quốc tế.

Gần 10 năm sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào vận hành, người dân Lào Cai nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung lại chuẩn bị đón một sự kiện trọng đại, đó là khởi công Dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của tỉnh; thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc; cầu nối giao thương trọng điểm của Tây Bắc với cả nước và khu vực ASEAN nói chung.

Những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống mạng lưới giao thông trong khu vực, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ cao tốc và cải tạo đường sắt. Đến nay, các hành lang vận tải kết nối 14 tỉnh trong khu vực với thủ đô Hà Nội cơ bản đã có kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc, góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành các chuỗi đô thị, các khu, cụm công nghiệp… dọc hành lang theo các tuyến cao tốc.

Đặt trong tổng thể vùng, Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông nội địa và quốc tế thuận lợi, đa dạng. Các tuyến quốc lộ phân bố rộng khắp (các Quốc lộ 4D, 4E, 70, 279); cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết các tỉnh trong vùng với vùng thủ đô; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh - Trung Quốc đã vận hành hơn 110 năm; tuyến đường thủy nội địa trên sông Hồng có giá trị lịch sử của cả vùng Bắc Bộ.

Trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du, miền núi phía Bắc, sẽ có thêm nhiều dự án tác động trực tiếp đến Lào Cai như Dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Bảo Hà - Lai Châu - Ma Lù Thàng; dự án nâng cấp, cải tạo các Quốc lộ 4D, 4E, 70, 279; đầu tư phát triển các cụm cảng thủy nội địa; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai lên khổ lồng 1.435 mm. Đặc biệt là việc triển khai xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa quy mô cấp 4C, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương có đủ 4 loại hình giao thông, mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện.

Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông nội địa và quốc tế thuận lợi, đa dạng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, kết nối giao thông giữa các tỉnh vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tiếp tục được tháo gỡ. Do đặc điểm địa hình khó khăn, hiểm trở nên đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ đạo, trong đó, hình thành một số trục cao tốc kết nối liên vùng, kết nối quốc tế như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn (Chợ Mới), Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng). Mạng lưới quốc lộ kết nối vùng từng bước được nâng cấp với 65% - 70% chiều dài cơ bản đạt cấp IV trở lên, còn lại khoảng 30% - 35% đạt cấp V, VI. Tại một số địa phương, đường bộ là phương thức kết nối duy nhất đã tạo nhiều áp lực về đảm bảo an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra chia cắt, cô lập khi có các sự cố về thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở núi. Về đường sắt, khu vực hiện có 5 tuyến đường sắt quốc gia, trong đó có 2 tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai, mặc dù đã từng bước được cải thiện, nhưng chưa cạnh tranh được với đường bộ. Kết nối giữa phương thức vận tải đường bộ và đường sắt còn hạn chế. Thị phần vận tải đường sắt còn thấp, cả hành khách và hàng hóa đều đang dưới 0,5% so với nhu cầu vận tải của toàn vùng. Đường thủy nội địa hiện đang khai thác 3 tuyến vận tải thủy chính là Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai (sông Hồng); Việt Trì - Hòa Bình (sông Đà), Việt Trì - Tuyên Quang - Na Hang (sông Lô). Về hàng không, hiện trong vùng có 2 sân bay nhưng sân bay Nà Sản (Sơn La) xuống cấp đã dừng hoạt động, chỉ còn Cảng Hàng không Điện Biên Phủ hoạt động với năng lực hạn chế, tần suất bay chưa nhiều do điều kiện địa hình và nhu cầu chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du, miền núi phía Bắc là do nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông 14 tỉnh trong vùng còn thấp so với các vùng khác trong cả nước. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP rất khó khăn do địa bàn trải rộng, dân cư thưa, kinh tế vùng chưa phát triển, lưu lượng phương tiện thấp, do đó tính hiệu quả về mặt tài chính chưa cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Do điều kiện địa hình khu vực núi cao, bị chia cắt nhiều, điều kiện thủy văn phức tạp nên suất đầu tư xây dựng các công trình giao thông lớn, quá trình khai thác thường bị xuống cấp nhanh, điều kiện khai thác chịu ảnh hưởng của sạt lở mùa mưa bão. Khó khăn chung của các địa phương trong vùng cũng chính là khó khăn nội tại của Lào Cai trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Với mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối của vùng và cả nước, kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối là một trong những lĩnh vực đột phá. Lào Cai đã chủ động đề xuất với Trung ương các giải pháp để giải quyết những khó khăn trên như: Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư theo phương thức PPP, “với vai trò là vốn mồi” đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở vùng khó khăn. Cùng với đó, cần thúc đẩy phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để các địa phương chủ động cân đối nguồn lực, tham gia đầu tư. Khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền; thực hiện cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ, các công trình nhà ga, đầu mối vận tải…

https://baolaocai.vn/bai-viet/359876-ha-tang-giao-thong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-vung

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...