Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến hoạt động khoa học và công nghệ với quan điểm đưa khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.Cây dứa Mường Khương đang mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con vùng cao xóa đói giảm nghèo.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong chiến lược phát triển giai đoạn năm 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
Với những tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp, Lào Cai đã và đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn, đặc biệt trong nông nghiệp nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trong 5 năm (2016 - 2021), UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt thực hiện 74 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học, trong đó có 36 đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới, một số đề tài nghiên cứu khoa học đã có kết quả nghiên cứu sẽ được Lào Cai đẩy mạnh triển khai ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương. Tiêu biểu như: mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế (Đương quy, Đan sâm, Cát cánh) theo hướng tiêu chuẩn GACP-WHO tại huyện Bắc Hà; trồng Sâm Ngọc Linh dưới giàn che tại xã Lùng Phình huyện Bắc Hà; quy trình sản xuất giống và trồng một số loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao (Độc hoạt, Mộc hương, Bạch chỉ, huyền sâm tục đoạn) theo hướng GACP-WHO tạo chuỗi sản xuất trên địa bàn huyện Bát Xát; bảo tồn và phát triển Sâm khoai (Yacon) theo hướng GACP-WHO tạo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng; quy trình trồng và phát triển sản xuất chuỗi giá trị cây dược liệu Khoai nưa và Ngưu bàng tại huyện Bát Xát; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba (Sieb.et.Zucc) Kitagawa), xuyên khung (Ligusticum wallichii Franch) và cát sâm (Millettia speciosa Champ) trên địa bàn huyện Bát Xát; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến một số cây dược liệu đặc hữu (Đẳng sâm Việt Nam, Đan sâm và Bạch chỉ) tại tỉnh Lào Cai; bảo tồn và phát triển thương mại gắn với chuỗi giá trị cây dược liệu bản địa Hoài Sơn trên địa bàn huyện Bảo Thắng; Nghiên cứu chọn giống Quế có năng suất và hàm lượng tinh dầu cao phục vụ trồng rừng kinh tế tại tỉnh Lào Cai và đề tài nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại quế ở vườn ươm và rừng trồng; khai thác và phát triển tốt nhãn hiệu chứng nhận “Quế Lào Cai” đã được bảo hộ; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa tỉnh Lào Cai”, triển khai tại huyện Bắc Hà; phát triển tốt nhãn hiệu tập thể “Lợn đen Mường Khương” đã được bảo hộ,…
Chế biến cây dược liệu thành sản phẩm nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào thực tiễn, Lào Cai còn tăng cường kết nối, hợp tác với các Viện nghiên cứu về nông, lâm nghiệp trong nước và nước ngoài để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Lào Cai đã hợp tác với đoàn chuyên gia vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp) nghiên cứu, hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp organic; đào tạo cán bộ và nhân dân xây dựng dự án bền vững hệ sinh thái nông nghiệp cũng như chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp gắn liền với việc bảo tồn nguồn gen bản địa. Hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau quả khu vực miền núi phía Bắc. Phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vân Nam Trung Quốc tham gia bồi dưỡng về kỹ thuật và giao lưu văn hoa trà cổ thụ Vân Nam – Việt Nam. Xây dựng kế hoạch hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam./.