Mùa Vu Lan báo hiếu, phật tử tìm về đỉnh thiêng Fansipan bái Phật, cầu bình an tới đấng sinh thành

Giữa giăng giăng mây ngàn và cái lạnh se se nơi đỉnh thiêng Fansipan, mùa Vu Lan, màu áo lam của hàng nghìn du khách như tệp vào sương phủ. Những bông hoa hồng đỏ thắm, phớt hồng hay trắng tinh khiết bật lên nơi ngực áo, gợi muôn vàn cảm xúc của sự biết ơn và thành kính.

Vu Lan nào cũng vậy, dù tất tả ngược xuôi, những người con luôn dành cho mình một khoảng lặng nơi cửa Phật linh thiêng, để nhắc nhở bản thân về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.

Những năm gần đây, đỉnh Fansipan hội tụ linh khí đất trời, nơi hiện diện quần thể tâm linh mang dáng chùa Việt cổ thế kỷ 15 - 16 luôn là điểm đến mà Phật tử bốn phương hướng về mỗi mùa Vu Lan. Để làm sâu sắc hơn ý nghĩa của lễ Vu Lan, một trong những ngày lễ quan trọng trong Phật giáo và tôn vinh đạo lý đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc, cứ vào tháng 7 âm lịch, Sun World Fansipan Legend lại trang trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Năm nay lễ Vu Lan bắt đầu từ ngày 6/8 đến 14/8/2022.

Sáng 6/8, hơn 500 tăng ni, phật tử và du khách lên tới “Nóc nhà Đông Dương”, khoác lên màu áo lam, tham dự lễ khai mạc pháp hội Vu Lan báo hiếu. Nếu chỉ vài ngày trước, Fansipan nắng nhẹ, trời cao thì đến lễ Vu Lan, sương lại bao trùm nơi đỉnh thiêng, tựa như làn mây đưa bước chân những người con về với chốn linh thiêng, rũ bỏ mọi muộn phiền âu lo, thành tâm báo hiếu cha mẹ.

Hành trình ngày Vu Lan của mỗi du khách mở ra từ tuyến cáp treo xuyên mây ngàn gió núi hướng về đỉnh thiêng. Tựa đầu trên ô kính còn mờ hơi sương, thu vào tầm mắt du khách là tầng tầng sương trắng, mờ ảo phía xa là một màu xanh mướt của những cánh ruộng bậc thang gối nhau trên triền núi, cảnh vật ở chốn địa đầu Tổ quốc đã gợi lên những xúc cảm bâng khuâng, đưa lòng người hướng về những đấng sinh thành.

Đón bước chân du khách sau hành trình từ cáp treo là quần thể tâm linh trải dài từ độ cao 2.900 m lên tới gần khu vực đỉnh Fansipan. Đến đây dịp Vu Lan này, những người con ở bất kỳ độ tuổi nào cũng được trang trọng cài lên ngực một bông hồng, tượng trưng cho sự tri ân, lòng hiếu thảo và biết ơn đối với bậc sinh thành. Mỗi sắc hoa hồng mang ý nghĩa khác nhau. Hoa hồng đỏ nhắc nhở cho mỗi người sự may mắn, tự hào vì còn cha mẹ trên đời, để họ trân trọng hơn thời gian quý giá nhất. Hoa màu hồng nhạt được gắn trên ngực áo những người con chỉ còn một trong hai đấng sinh thành. Sắc hoa trắng mong manh tượng trưng cho sự tưởng nhớ và chia lìa âm dương với cha mẹ đã khuất, thành tâm cầu chúc người an yên ở nơi xa.

Trong hàng nghìn du khách về với Fansipan ngày lễ, có cả những em nhỏ, ông bà cụ tóc đã ngả màu, mà trước đây tưởng chừng việc “chinh phục” đỉnh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc chỉ là trong giấc mơ.

Đặt những bước chân khoan thai trên bậc đá xanh hướng về “cổng trời” Thanh Vân Đắc Lộ, ai cũng thấy thanh thản, bình an đến lạ. Xa xa một màu mây trắng ôm ấp dãy núi xanh trập trùng và trước mắt mỗi người là những mái chùa Việt cong cong, được bao bọc trong âm vang tiếng chuông trong thanh không tĩnh lặng nơi đỉnh trời.

Chị Hoàng Phương Mai, du khách từ Hà Nội cho biết năm nào vào lễ Vu Lan, chị cũng cùng cha mẹ đi lễ trong thành phố. Năm nay, thấy tóc đấng sinh thành đã bạc trắng gần như cả mái đầu, chị quyết định đưa họ tới Fansipan, vừa để hành hương, vừa hoàn thành tâm nguyện một lần chạm tay vào cột mốc nơi địa đầu Tổ quốc của cha mẹ.

“Bắt đầu từ nhà ga cáp treo lên đến quần thể tâm linh, không khí ngày lễ diễn ra vô cùng trang trọng với cờ ngũ sắc Phật giáo, những con đường đá sạch đẹp trang trí nhiều cây xanh và hoa tươi. Mình hạnh phúc khi được cùng cha mẹ cảm nhận được sự thanh tịnh, thiêng liêng của đất trời như vậy”, chị Mai nói.

Năm nay lễ khai mạc pháp hội Vu Lan báo hiếu được long trọng tổ chức trong lòng Đại tượng Phật, với sự tham dự của bậc trụ trì cùng hàng trăm tăng ni, phật tử. Họ chắp tay nguyện cầu trước xá lợi Phật - Pháp bảo quý giá lưu giữ trong Đại tượng Phật, lắng nghe và cùng nguyện cầu theo từng hồi kinh Vu Lan bồn vang vọng giữa đại ngàn.

Sau đại lễ, phật tử cùng du khách tham gia lễ diễu hành từ Đại tượng Phật, dạo bước trên đường La Hán chiêm bái 18 tượng vị sư tổ rồi dâng hương tại Kim Sơn Bảo Thắng tự.

Những hình ảnh ấn tượng và đáng nhớ nhất trong buổi lễ là những gia đình 2 - 3 thế hệ cùng thong thả rảo bước trên những đường đá quanh co men sườn núi, bao quanh là trời mây, những dãy núi hùng vĩ và giữa tiếng chuông ngân vang vọng một cõi. Giữa tiết trời se lạnh nơi đỉnh thiêng, sự ấm áp toát lên trong từng ánh mắt, nụ cười và cái siết tay của những người hành hương.

Cũng có những giọt nước mắt đã lăn trên đôi má những người con, khi được lắng nghe tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ, lời giảng về đạo hiếu của sư thầy. Lúc này chắp tay thành kính trước tượng Quan thế âm Bồ tát và Đại tượng Phật A Di Đà tôn nghiêm giữa đại ngàn, phật tử bốn phương một lòng hướng thiện, nguyện cầu cho cha mẹ trên đời được bình an trường thọ; tổ tiên, cha mẹ khuất núi được siêu sinh tịnh độ.

Hành trình mùa Vu Lan còn là dịp để du khách cùng những người thân yêu chạm tay tới đỉnh Fansipan - “Nóc nhà Đông Dương”, ghi thêm những dấu mốc trong cuộc đời mỗi người và thưởng ngoạn vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc.

Trời dần chuyển sang thu, khung cảnh ở Fansipan càng thêm thi vị, khi những thửa ruộng bậc thang trong thung lũng đang dần ngả vàng, tựa những dải lụa trải tít tắp tận chân trời; nếu dưới chân núi khu vực Ga đi cáp treo, muôn ngàn sắc hoa hồng, cúc magic, đuôi công… đương thì nở rộ, thì khu vực đỉnh Fansipan đang bạt ngàn sắc cam đỏ của dơn lúa, đem đến những trải nghiệm thú vị trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Cũng từ nay đến 14/8, du khách còn có dịp trải nghiệm không khí lễ hội truyền thống tưởng chừng đã mai một ở Sa Pa, trong mùa giải “Vó ngựa trên mây”. Cuối tuần màn trình diễn đua ngựa sẽ lại diễn ra tại khuôn viên nhà ga đi cáp treo. Tiếng vó ngựa rộn rã nơi rẻo cao, những màn trình diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc Tây Bắc khiến hành trình mùa Vu Lan của du khách ý nghĩa hơn bao giờ hết.

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Khắp thế gian này không gì sánh bằng mẹ đâu…”.
Thanh âm ấy lẫn trong tiếng gió như tạc vào kẽ đá, nhắc nhớ mỗi mùa Vu Lan, những người con hiếu thuận lại tìm về nơi đỉnh thiêng Fansipan, để thấy công ơn sinh thành của cha mẹ núi thái sơn cũng sánh sao bằng.

https://baolaocai.vn/bai-viet/359334-mua-vu-lan-bao-hieu-phat-tu-tim-ve-dinh-thieng-fansipan-bai-phat-cau-binh-an-toi-dang-sinh-thanh

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...