Chuyển đổi số cần nhanh chóng, đồng bộ để phát huy hiệu quả tối đa
Sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại điện các bộ, ngành Trung ương.
Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. |
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Đại biểu dự họp tại điểm cầu Lào Cai. |
Tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề năm 2022 là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Hoạt động hưởng ứng năm 2022 tập trung vào các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; thúc đẩy, quảng bá toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, giúp người dân được thụ hưởng kết quả chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại phiên họp, nửa đầu năm 2022, công tác chuyển đổi số được triển khai thực hiện hiệu quả ở tất cả các cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương trên cả nước. Nhiều mục tiêu đạt và vượt chỉ tiêu của cả năm như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% mục tiêu cả năm; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27%/7% mục tiêu cả năm; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66%/65% mục tiêu cả năm… Công tác chuyển đổi số được thực hiện trên 10 nội dung cơ bản: Nhận thức số; thể chế số; hạ tầng số; nền tảng số; nhân lực số; an toàn, an ninh mạng; chính phủ số; kinh tế số; xã hội số; đô thị thông minh.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất 2 phương án trọng tâm thực hiện công tác chuyển đổi số trong năm 2023 để Chính phủ xem xét và sớm ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện. Phương án 1 là phổ cập kỹ năng số toàn dân. Theo phương án này, cơ quan nhà nước tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho cán bộ làm chuyển đổi số, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. Các doanh nghiệp tập trung vào tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về kỹ năng số cho người lao động. Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân. Phương án 2 là đưa hoạt động của doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Theo phương án 2, các cơ quan nhà nước tập trung rà soát tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số, đưa hoạt động lên môi trường số, sản xuất, kinh doanh trên môi trường số. Người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số do doanh nghiệp cung cấp.
Tại phiên họp, các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm, đồng thời đề xuất, góp ý những phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác chuyển đổi số của Chính phủ cũng như Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số nhanh, đồng bộ và hiệu quả nhất.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chuyển đổi số rất cần thiết nhưng không đơn giản và dễ thực hiện. Công tác triển khai cần thực hiện từ Trung ương đến địa phương, tạo nên sự đồng bộ, thuận lợi cho cán bộ, địa phương và nhân dân. Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng để đảm bảo hiệu quả công tác chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số của các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của nhân dân và các chỉ tiêu, mục tiêu về chuyển đổi số đạt kết quả.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc ở những mục tiêu đạt thấp để có kế hoạch phấn đấu thực hiện trong thời gian tới; cần phối hợp để cùng thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu ngày càng nhanh, mạnh của thị trường, của xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số để các bộ, ngành quan tâm xử lý, đầu tư như: Chất lượng đường truyền thấp, chưa ổn định; cần cải thiện các phần mềm, ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ công của nhân dân... Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuyển đổi số để hoàn thành những mục tiêu còn lại đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ để cùng tiến bộ, tránh tư duy cục bộ, phát huy tính sáng tạo, chủ động của cơ quan, đơn vị, địa phương; chuyển đổi số phải tạo được lợi ích cho người dân; huy động nguồn lực xã hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số...
https://baolaocai.vn/bai-viet/359286-chuyen-doi-so-can-nhanh-chong-dong-bo-de-phat-huy-hieu-qua-toi-da