Lào Cai - hành trình 115 năm xây dựng và phát triển

Sau hơn một thế kỷ xây dựng, phát triển và hội nhập (12/7/1907 - 12/7/2022), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lào Cai đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Toàn cảnh đô thị cổ Lao Kay bên sông Hồng và sông Nậm Thi năm 1904.        Ảnh Bảo tàng tỉnh

Trong suốt chặng đường lịch sử 115 năm qua, nhất là từ khi Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập (ngày 5/3/1947), dù trong hoàn cảnh nào, người dân Lào Cai vẫn luôn đoàn kết một lòng, vững tin đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Trong cuộc trường chinh chống Pháp, tiễu phỉ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự chi viện của Trung ương, Nhân dân các dân tộc Lào Cai đã anh dũng đấu tranh giải phóng quê hương, góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tiếp đó là giai đoạn củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngược dòng lịch sử, khi mới thành lập, tỉnh Lao Kay gồm 2 châu (Thủy Vĩ, Bảo Thắng), 4 đại lý Mường Khương, Bát Xát, Pa Kha (Bắc Hà), Phong Thổ (riêng Sa Pa lúc này được gọi là đặc khu thuộc châu Thủy Vỹ) với tổng diện tích toàn tỉnh là 4.625 km2, dân số có 38.000 người của 585 thôn, bản, khu phố thuộc 23 xã và 2 khu phố lớn ở thị xã. Thị xã Lao Kay được chọn là tỉnh lỵ thuộc châu Bảo Thắng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.

Tỉnh dân sự Lào Cai được thành lập là sự kiện lịch sử quan trọng. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là thành lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà còn tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội ở một tỉnh biên giới Tây Bắc Việt Nam. Đặc biệt, việc thành lập tỉnh Lào Cai còn tạo đà thúc đẩy trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng Bắc Bộ Việt Nam với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Để nâng cao khả năng lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng, nhất là lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 1/1947, Khu ủy quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời Lào Cai thay cho Ban Cán sự Đảng. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được khai mạc tại Sở Cẩm (Sở Cảnh sát) gần cầu Cốc Lếu thuộc tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào Cai do ta giải phóng, tiếp quản dùng làm trụ sở của Tỉnh bộ Việt Minh. Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được triệu tập. Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Thanh làm Bí thư. Ngày 5/3/1947 là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Lào Cai, mở ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng ở Lào Cai. Từ đây, phong trào cách mạng ở Lào Cai đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp tái chiếm Lào Cai, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc Lào Cai đã phối hợp với các tỉnh Tây Bắc đấu tranh dưới nhiều hình thức, làm thất bại âm mưu thâm độc của thực dân là “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”. Tháng 9/1950, Chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II) nổ ra, quân dân Lào Cai đã chiến đấu kiên cường, lần lượt giải phóng các địa phương trong tỉnh. Ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai sạch bóng quân thù, Lào Cai hoàn toàn giải phóng, tiếp đó phá tan âm mưu lập “tỉnh Nùng”, “tỉnh Thái” tự trị và ý đồ phong tỏa biên giới của thực dân Pháp. Thắng lợi đó không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, dũng cảm, mưu trí của quân, dân Lào Cai mà còn khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh.

Thị trấn Sa Pa năm 1969. Ảnh: Thiện Hùng

Từ năm 1950 đến năm 1955, Lào Cai đã đồng hành, chi viện sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm kháng chiến chống Mỹ (1955 - 1975), Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Lào Cai vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chống chiến tranh phá hoại của địch, cùng miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Tỉnh Lào Cai tự hào đã có hàng nghìn người con ưu tú lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu, có nhiều người đã anh dũng hy sinh, góp phần mang đến chiến thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm 1976 - 1991, Lào Cai thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phòng tuyến biên giới, cùng với cả nước tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979), giữ vững chủ quyền quốc gia.

Sau tái lập tỉnh năm 1991, Lào Cai phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Mặt bằng dân trí thấp (60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; gần 55% hộ dân thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp… Tuy nhiên, chỉ sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng đất nghèo khó, đổ nát sau chiến tranh trở thành vùng động lực phát triển, điểm sáng ở khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc. Kinh tế bứt tốc mạnh so với ngày đầu tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân người dân đạt gần 83 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; giáo dục, y tế đều có bước tiến vượt bậc. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sỹ/vạn dân. Số hộ nghèo giảm từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 5,31% (năm 2021 theo tiêu chí cũ); khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (2019), đời sống mọi mặt của Nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 62 trong tổng số 127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả toàn diện. Thời điểm mới thành lập, Đảng bộ tỉnh có 7 chi bộ, 61 đảng viên; đến hết năm 2021, toàn Đảng bộ có 14 đảng bộ trực thuộc; 615 chi bộ, đảng bộ cơ sở; 2.918 chi bộ trực thuộc cơ sở với 52.141 đảng viên; 100% thôn, bản có chi bộ độc lập.

Trên chặng đường phát triển mới, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc sinh sống, song Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn tự hào về chặng đường đã qua. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định những mục tiêu lớn không chỉ cho 5 năm mà còn cho cả tầm nhìn dài hạn để đến năm 2030, đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 lĩnh vực đột phá thực hiện đến năm 2025. Đồng thời triển khai thực hiện chiến lược quy hoạch tổng thể tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường hôm nay.                   Ảnh: Ngọc Bằng

Nhìn lại chặng đường 115 năm xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn ghi nhớ công lao to lớn của lớp lớp cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và giải phóng quê hương, luôn tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người dân đã đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp. Năm 2022 đánh dấu chặng đường hơn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển tỉnh Lào Cai, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tự hào về truyền thống 115 năm xây dựng và phát triển, mỗi chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai phát triển của tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới là nặng nề, song cũng vô cùng vẻ vang. Với ý chí và nghị lực, tinh thần dũng cảm, truyền thống đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nguyện đoàn kết, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, viết tiếp những trang sử mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống của Đảng, của dân tộc.

Dương Đức Huy

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

https://baolaocai.vn/bai-viet/358321-lao-cai--hanh-trinh-115-nam-xay-dung-va-phat-trien

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...