Bảo Yên đi đầu về chuyển đổi số
Từ năm 2019 - 2021, huyện Bảo Yên dẫn đầu khối huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước.92% cán bộ, công chức, viên chức huyện Bảo Yên sử dụng thư điện tử. |
Xã Yên Sơn đã tận dụng thời cơ, tạo được những bước chuyển mới trong việc ứng dụng công nghệ số trong điều hành hệ thống chính quyền, phát triển kinh tế và các lĩnh vực của xã hội. Nhận thức về chuyển đổi số và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã được nâng lên, nắm vững và thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong thực thi nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Chính quyền xã đã triển khai hệ thống quản lý văn bản, được tích hợp chữ ký số trên hệ thống phần mềm để gửi, nhận văn bản điện tử. Điều này tạo thuận lợi cho thường trực cấp ủy đảng, chính quyền xã giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước.
Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Hệ thống mạng LAN, wifi được tối ưu, nâng cao tính bảo mật thông tin…
Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số được huyện Bảo Yên rất quan tâm. Năm 2021, Bảo Yên là huyện đi đầu toàn tỉnh về thực hiện quản lý hệ thống văn bản điện tử và chữ ký số. UBND huyện đã phối hợp với Cục Chứng thư số và Bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) cấp mới 57 thiết bị ký số cho các tổ chức, cá nhân, gồm chữ ký số của 11 UBND xã; cấp mới 17 chữ ký cho HĐND xã, thị trấn và 6 phòng, ban chuyên môn thuộc huyện và 23 cá nhân mới được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ ký số văn bản toàn huyện năm 2021 đạt 91% (cao nhất tỉnh); tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử của tỉnh (có địa chỉ @.laocai.gov.vn) trong trao đổi công việc đạt trên 92%.
Hạ tầng công nghệ thông tin huyện Bảo Yên được triển khai, đầu tư đồng bộ; tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị trực thuộc là 538 được bố trí nhưng được trang bị tới 568 máy tính cá nhân và dùng chung; các máy tính đều có trang bị tường lửa bảo vệ mạng LAN. UBND huyện đã triển khai thực hiện dịch vụ hành chính công một cửa điện tử, thực hiện nhận và trả kết quả hồ sơ các thủ tục hành chính còn hiệu lực qua hệ thống phần mềm. Từ ngày 1/1 đến 15/11/2021, UBND huyện thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 đạt 100% thủ tục, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực.
Nhằm tạo bước chuyển từ cơ sở, UBND huyện Bảo Yên đã yêu cầu các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản (thí điểm mỗi xã, thị trấn 3 - 4 tổ và khuyến khích các xã, thị trấn thành lập hết ở các thôn bản, tổ dân phố). Huyện đã thành lập và triển khai thí điểm “Tổ công nghệ số cộng đồng”, với 105 tổ/209 thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn; 100% tổ này đã thành lập zalo nhóm.
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Huyện xác định đột phá chuyển đổi số để giải quyết những khó khăn, thách thức đối với địa phương, đồng thời tận dụng thời cơ, tiềm năng, lợi thế của huyện. Đây là xu thế tất yếu, nếu chậm chuyển đổi số, Bảo Yên sẽ tụt lại phía sau so với các địa phương khác trong tỉnh và cả nước.
Huyện Bảo Yên đưa ra 6 quan điểm xuyên suốt là triển khai trong toàn hệ thống chính trị; người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; lấy văn hóa số để thay đổi cách thức làm việc của mỗi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức, quy trình sản xuất của mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình, sinh hoạt của mỗi người dân. Huyện cũng coi trọng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách chuyển đổi số…
Về lộ trình phấn đấu, Bảo Yên xác định đến năm 2025, phát triển kinh tế - xã hội số của huyện thuộc nhóm khá của tỉnh. Cùng với đó, hạ tầng mạng cáp quang phủ trên 90% hộ, 100% cấp xã; trên 70% dân số trên địa bàn huyện có điện thoại di động thông minh; 50% hộ có tài khoản thanh toán điện tử; 50% người dân tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử qua thiết bị di động thông minh; 100% người dân ở độ tuổi lao động có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm, được tiếp cận các khóa học cơ bản, góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, “xóa mù” công nghệ số cho vùng sâu, vùng cao…
https://baolaocai.vn/bai-viet/358033-bao-yen-di-dau-ve-chuyen-doi-so