Chuyển đổi số nông nghiệp Lào Cai góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu 100% sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Việc quan tâm đầu tư, ưu tiên nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Website giới thiệu sản phẩm đạt sao OCCOP Lào Cai:  https://ocoplaocai.gov.vn

Để triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, trong năm 2022, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành nông nghiệp, cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số. Hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thương mại điện tử; phát triển thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa; xây dựng các xã nông thôn mới thông minh. Phát triển thương mại điện tử trên cơ sở đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Xây dựng kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025 đã tạo bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, tỉnh Lào Cai thực hiện chuyển đổi số trong phát triển HTX, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và tham gia vào các nền tảng số, tăng khả năng quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ năng, cách thức bán hàng trực tuyến, khởi tạo các kênh bán hàng trên môi trường mạng, live stream trên các kênh cá nhân, thiết kế và quản trị vận hành nội dung trang quảng cáo, xây dựng nội dung quảng bá sản phẩm; thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất. Hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh, giới thiệu, tiêu thụ nông sản địa phương. Năm 2021-2022, trong điều kiện dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động kết nối giao thương, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản qua nền tảng số được các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân Lào Cai tăng cường ứng dụng. Mận Tam hoa Bắc Hà là sản phẩm đã được chứng nhận thương hiệu, là sản phẩm quả tươi đầu tiên của Lào Cai được bán trên Sàn giao dịch điện tử Postmart nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã ứng dụng đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn Thương mại điện tử, thực hiện livestream để bán hàng các sản phẩm nông sản như Lê Tai nung, mận Tam Hoa, quýt Mường Khương, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sàn Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai đã có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia mở gian hàng với tổng số trên 300 sản phẩm.

Sản phẩm nông sản Lào Cai được dán tem truy xuất nguồn gốc

Năm 2017, tỉnh Lào Cai thực hiện minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử đối với hơn 100 dòng sản phẩm nông nghiệp an toàn của 16 doanh nghiệp và hợp tác xã. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 85 doanh nghiệp/hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông lâm sản và thủy sản với gần 300 dòng sản phẩm nông sản tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử.

Chuyển đổi số nông nghiệp còn thể hiện trong quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất. Ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp với phần mềm "Nhật ký canh tác" giúp nông dân dễ dàng ghi chép các hoạt động trong canh tác hàng ngày, tiết kiệm thời gian, dễ áp dụng trong thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong quản lý theo dõi, truy suất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ sản xuất. Điển hình là việc ứng dụng CNTT trong quản lý cây quế của xã Liêm Phú - Văn Bàn. Đến nay 70% các hộ dân trong vùng trồng quế đã sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua app QGS để quản lý quy trình canh tác, sản xuất như: Kế hoạch canh tác hằng năm (diện tích, số cây, tình trạng hữu cơ, sản lượng/năm); mua và tiếp nhận vật tư đầu vào (ngày mua, loại vật tư, sản lượng, ngày hết hạn sử dụng, địa chỉ cung cấp); theo dõi trồng và chăm sóc (thời gian, công việc thực hiện); thu hoạch và bán quế… Hệ thống đã hỗ trợ người nông dân quản lý khoa học, nhanh chóng và hiệu quả.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã  hội số, Lào Cai quan tâm chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn ưu tiên, trong đó có lĩnh vực Nông nghiệp. Nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp - nền tảng xây dựng làng/xã thông minh góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân, xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Thu Hương

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...