Lưu giữ sắc màu dân tộc Tày
Theo thời gian, ở huyện Văn Bàn, đồng bào Tày vẫn duy trì, lưu giữ nghề truyền thống trồng bông, dệt vải, dệt thổ cẩm.Sản phẩm thổ cẩm của nhóm chị em cùng sở thích ở xã Võ Lao trở thành sản phẩm hàng hóa. |
Trước kia, trên các quả đồi ở Dương Quỳ, đâu đâu cũng thấy nương bông trắng muốt. Đây là nguyên liệu làm ra vải và trang phục truyền thống cũng như các vật dụng sinh hoạt của đồng bào Tày như chăn, ga, gối, đệm, túi, khăn… Ngày nay, không còn gia đình nào trồng bông, nhưng công đoạn dệt vải, nhuộm chàm, dệt thổ cẩm vẫn còn được lưu giữ.
Để dệt thành tấm vải phải trải qua nhiều thời gian, công đoạn, riêng việc xếp chỉ lên khung dệt đòi hỏi tỉ mẩn nhất, cần sự giúp sức của nhiều người. Những ngày nông nhàn, chị em thường tập trung tại một gia đình giúp nhau thực hiện công việc này. Bà La Thị Lả, ở thôn Tông Hốc, xã Dương Quỳ cho biết: Người Tày dùng cột nhà để xếp chỉ vào khuôn dệt. Chúng tôi lựa chọn những ngôi nhà sàn có cột to, nhẵn bóng làm khuôn. Các sợi chỉ được kéo đều vòng quanh 3 cột nhà. Công đoạn này cần 5 - 6 chị em giúp sức và phải làm việc hết công suất từ sáng sớm đến tối muộn mới hoàn thành. Vậy nên, xếp chỉ lên khuôn không chỉ thể hiện sự khéo léo của phụ nữ Tày, mà còn là tinh thần đoàn kết, gắn chặt tình làng, nghĩa xóm. Sau khi xếp chỉ, từ những dụng cụ thô sơ tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo của phụ nữ, những sợi chỉ được dệt thành tấm vải mềm mại.
Không chỉ ở Dương Quỳ, tại nhiều xã khác như Làng Giàng, Võ Lao, các bà, các mẹ còn thành lập nhóm, câu lạc bộ người cùng yêu thích nghề dệt vải, dệt thổ cẩm. Gần 30 năm nay, nhóm 5 chị em ở thôn Chiềng 4, xã Võ Lao cùng nhau khâu, may các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống của dân tộc Tày. Những chiếc áo chàm, sản phẩm thổ cẩm đa dạng vừa phục vụ nhu cầu sử dụng của phụ nữ, vừa trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân trong lúc nông nhàn.
Chung mục đích lưu giữ nghề truyền thống, chỉ cần qua ngày mùa bận rộn, nhóm chị em cùng sở thích của Hội Phụ nữ xã Làng Giàng lại tập trung tại một gia đình, sau đó cùng nhau dệt vải, dệt thổ cẩm hoặc thêu thùa. Những sản phẩm được dệt từ đôi tay khéo léo của phụ nữ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày và phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Chị Trần Thị Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Làng Giàng khẳng định: Gìn giữ và bảo tồn nghề dệt là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Phụ nữ xã. Những sản phẩm thổ cẩm của hội viên không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ du lịch, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.
Dù còn nhiều khó khăn trong hành trình khôi phục, bảo tồn và giữ gìn nghề trồng bông, dệt vải, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tày, nhưng với tình yêu và tâm huyết của nhiều phụ nữ, nghề truyền thống của dân tộc Tày đang từng bước được lưu truyền, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.