“Những đóa hoa nắng mai”

Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 đã bắt đầu khởi động để tìm ra người đăng quang và sẽ đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Trái đất 2022. Cuộc thi năm nay có chủ đề “Những đóa hoa nắng mai”, sẽ là nơi quy tụ của những bông hoa thuần khiết đến từ khắp các vùng miền trên cả nước.
Hoa hậu Trái đất 2021 Destiny Wagner đến giao lưu, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực cho các cô gái sinh sống, học tập tại Lào Cai.

Giữa tháng Tư vừa qua, sau khi có buổi giao lưu tại Trường Cao đẳng Lào Cai với chủ đề “Hành trình ước mơ - tự tin tỏa sáng” và được truyền cảm hứng từ câu chuyện của Hoa hậu Trái đất 2021 Destiny Wagner, nhiều cô gái đẹp đang sinh sống, học tập tại Lào Cai đã mạnh dạn đăng ký tham gia, mong được chia sẻ những câu chuyện về bản thân, tỏa hương sắc cùng với nhiều bông hoa đẹp trên khắp đất nước.

Nữ đại biểu HĐND huyện quảng bá hình ảnh du lịch quê hương

Hoàng Thị Lả, năm nay 24 tuổi, là một trong những bạn nữ nổi bật trong buổi giao lưu. Lả có ngoại hình cân đối với chiều cao 1 m 65, khuôn mặt khả ái và tự tin trò chuyện cùng các khách mời của chương trình.

Hoàng Thị Lả muốn tham gia cuộc thi để quảng bá hình ảnh du lịch quê hương.

Lả sinh ra và lớn lên tại tỉnh Lai Châu, nhưng lại lựa chọn Lào Cai học tập và làm việc. Sau khi tốt nghiệp lớp múa của Trường Cao đẳng Lào Cai, cô gái dân tộc Khơ Mú trở thành giáo viên dạy múa tại Trung tâm ngoại ngữ Dream Sky (phường Phố Mới, thành phố Lào Cai). Thông minh, năng động, dù mới ngoài 20 nhưng Lả đã là một nữ đại biểu HĐND huyện Than Uyên (Lai Châu) nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mạnh dạn đăng ký tham gia Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Lả mang nhiều tâm tư, mong được chia sẻ với bạn bè mọi miền Tổ quốc về văn hóa của dân tộc mình và làng du lịch cộng đồng ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên nơi cô sinh ra.

Khơ Mú là cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời cùng với hơn 20 dân tộc anh em khác trên mảnh đất Lai Châu. Tuy có số lượng dân ít, sống rải rác và văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của đồng bào dân tộc Thái, nhưng đời sống văn hóa của người dân Khơ Mú vẫn là một kho tàng độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Trong số đó phải kể đến điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Khơ Mú tại Thẩm Phé. Lả tâm sự: Mình tự hào là người Khơ Mú. Vẫn còn nhiều người chưa biết về dân tộc của mình và còn nhầm lẫn với đồng bào Thái. Thẩm Phé nơi mình sinh ra có cảnh sắc rất tuyệt vời. Đến với quê mình, du khách sẽ được thưởng ngoạn trên lòng hồ thủy điện Bản Chát ngắm nhìn non nước; thưởng thức các món ăn đậm hương vị dân tộc ở làng cá Thẩm Phé và còn được đắm say trong  những điệu múa, câu hát của thiếu nữ Khơ Mú. Tham gia cuộc thi, mình muốn chia sẻ với bạn bè tất cả những điều tuyệt vời của quê hương mình.

Cô giáo dân tộc Giáy mở lớp dạy múa từ năm 17 tuổi

Sinh ra và lớn lên ngay giữa thành phố Lào Cai nhưng Nông Thị Huyền, cô giáo vừa tròn 20 tuổi luôn nhớ mình là người con dân tộc Giáy. Huyền thường xuyên giao tiếp với người thân bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, cô cũng không ngừng tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Giáy và diện trang phục dân tộc trong những ngày đặc biệt.

Nhìn vóc dáng mảnh mai và một khuôn mặt trẻ hơn tuổi, ít ai biết rằng cô đã tự thân lập nghiệp từ năm 17 tuổi. Đang học lớp 10 thì Huyền được bạn rủ thi tuyển vào lớp học múa. Nhận ra đam mê của mình khi đã khá nhiều tuổi để theo đuổi môn nghệ thuật này, nhưng Huyền đã nỗ lực và không để mình tuột lại phía sau. Huyền bộc bạch: Nhiều bạn được học múa từ nhỏ, cơ thể dẻo dai. 16 tuổi mới bắt đầu học múa, đã nhiều lần em nản chí vì sau những buổi học chân tay bầm dập, cơ thể rã rời. Thế nhưng càng học múa em càng thấy môn này rất lôi cuốn và muốn theo đuổi tới cùng.

Cô gái dân tộc Giáy Nông Thị Huyền có nét đẹp mảnh mai.

Với quyết tâm không ngừng, Huyền học múa rất tiến bộ, học đến năm thứ 2, cô nảy ra ý định vừa học vừa làm. Nghĩ là làm, Huyền cùng một người bạn tìm địa điểm, tuyển sinh mở một lớp múa cho các em thiếu nhi. Ban đầu, lớp múa chỉ có khoảng 10 học sinh, đến nay lớp duy trì được hơn 3 năm và có khoảng 50 học sinh theo học.

Huyền tâm sự: Lớp học của em nhận các bé từ 3 tuổi, thế nên mỗi giờ lên lớp, em vừa là cô giáo dạy múa, vừa là cô nuôi dạy trẻ, tuy có vất vả nhưng tới thời điểm này, em tự hào vì chút thành quả của bản thân.

Với thân hình nhỏ nhắn, hơi mảnh mai, để tự tin hơn khi tham gia Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Huyền đang cố gắng ăn uống, tập luyện thể thao để có thân hình cân đối hơn.

Bảo tồn truyền thống dân tộc Thái.

Tốt nghiệp Trung cấp múa, Trường Cao đẳng Lào Cai, Vi Thị Hải, cô gái dân tộc Thái không chọn đi dạy múa như các bạn mà vào làm việc tại một nhà hàng ẩm thực dân tộc Thái ngay tại thành phố Lào Cai. Hải chia sẻ: Ở nơi này, em được múa, được mặc trang phục dân tộc mình mỗi ngày, được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào mình và sống trong không gian của người Thái. Điều đó khiến em có thêm hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình và gìn giữ, quảng bá nét đẹp đó tới bạn bè.

Vi Thị Hải từng đoạt giải Thí sinh triển vọng trong Cuộc thi Học sinh - Sinh viên thanh lịch của Trường Cao đẳng Lào Cai.

So với nhiều bạn cùng trang lứa, Hải có chiều cao 1 m 68 khá nổi trội, cô từng đoạt giải Thí sinh triển vọng trong Cuộc thi Học sinh - Sinh viên thanh lịch do nhà trường tổ chức năm 2021. Hải sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, nơi bản làng người Thái sống tập trung ở những khu vực ven sông, suối. Ở nơi cô lớn lên, các thế hệ cha ông đã tạo dựng được những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, với vẻ đẹp về kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán riêng.

Hải tâm sự thêm: Ngay từ nhỏ, chúng em đã được dạy phải đi đứng uyển chuyển, nhẹ nhàng, ý tứ. Khi lớn hơn được dạy thêm sự e lệ, kín đáo, đằm thắm, gợi cảm. Đến tuổi trăng tròn, các cô gái được trang bị nhiều kỹ năng gìn giữ da, giữ dáng, phát huy vẻ đẹp của phụ nữ Thái. Dù đi học xa nhà, em vẫn cố gắng gìn giữ những nét đẹp đó.

Hiện Hải đã sẵn sàng tham gia cuộc thi và háo hức được chia sẻ những câu chuyện về dân tộc mình đến bạn bè cả nước.

Lả, Huyền, Hải là 3 trong số các cô gái xinh đẹp, bản lĩnh, mạnh dạn, đang sống và làm việc tại Lào Cai đăng ký tham gia cuộc thi nhan sắc. Hy vọng với những nét đẹp riêng, cùng sự khéo léo, tinh tế, các cô gái sẽ như “những đóa hoa nắng mai” tự tin tỏa hương sắc.

https://baolaocai.vn/bai-viet/356180-nhung-doa-hoa-nang-mai

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...