Chiến lược của Australia hướng tới Thế kỷ Châu Á

Ngày 28/10/2012, Chính phủ Australia công bố Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á", thực chất là chiến lược dài hạn để đưa quốc gia này vào nhóm 10 nước giàu nhất thế giới vào năm 2025.
Mục tiêu của Australia trong Thế kỷ châu Á

Trong Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á" đề ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng của quốc gia này trong tầm nhìn tới năm 2025, tạo tiền đề cho Australia tiến xa hơn vào thế kỷ 21. Trong tầm trung hạn đến năm 2025, Australia sẽ nỗ lực đạt được các mục tiêu chủ yếu sau.

Thủ tưởng Australia, bà Julia Gillard, tại buổi lễ công bố Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á"
1. Xây dựng mạng lưới kết nối kinh tế chặt chẽ với các nước trong khu vực; nỗ lực đưa giá trị thương mại của Australia trong giao dịch với các châu Á từ mức chiếm 1/4 GDP hiện nay lên mức 1/3 GDP vào năm 2025.
2. Tập trung phát triển nền kinh tế có kỹ năng cao và công nghệ cao.
2. Thúc đẩy phát triển để nâng cao tri thức và thực tiễn về văn hóa châu Á trong hàng ngũ lãnh đạo của 200 công ty và cơ quan chính phủ hàng đầu của Australia, theo đó sẽ có 1/3 số thành viên phải có kinh nghiệm cũng như kiến thức sâu sắc về châu Á.
3. Phấn đấu đưa thu nhập quốc nội tính bình quân theo đầu người của Australia lên ngang với nhóm 10 quốc gia và các vùng lãnh thổ phát triển nhất thế giới Qatar, Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), Brunei, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Mỹ v.v.. Hiện tại, theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, thu nhập bình quân theo đầu người của Australia đứng thứ 13 trên thế giới.
4. Australia phấn đầu đưa hệ thống trường học của quốc gia này lọt vào nhóm 5 nước có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, trong đó sẽ có 10 trường đại học lọt vào danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Giáo dục về châu Á sẽ là một phần trọng tâm trong chương trình giảng dạy quốc gia và Australia sẽ tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực thành thạo các thứ tiếng Trung Quốc, Hindi, Indonesia và Nhật Bản.
5. Trong chính sách đối ngoại, Australia sẽ phát triển ảnh hưởng ngày càng lớn ở châu Á thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao rộng khắp tại các nước ở châu lục này, trong đó Australia sẽ mở đại sứ quán đầy đủ tại Ulanbator (Mông Cổ), Tổng lãnh sự tại Thẩm Dương (Trung Quốc), Phuket (Thái Lan) và miền Đông Indonesia. Australia sẽ thắt chặt quan hệ ngoại giao toàn diện hơn với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippin. Australia sẽ tăng cường tối đa các mối quan hệ với các nước châu Á, thay vì các nước ở “lục địa già” châu Âu.

Phản ứng của dư luận trong và ngoài Australia

Bình luận về Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á", lãnh đạo phe đối lập ở Australia, ông Tony Abbott, tuyên bố rằng, Liên minh đối lập ủng hộ sự “can dự” sâu hơn của Australia vào châu Á. Tuy nhiên, theo ông, Sách trắng còn thiếu những chi tiết quan trọng và sáng kiến cụ thể, cũng như không có một cam kết nào về tài chính để thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng. Theo ông Tony Abbott, sự đảm bảo tốt nhất để Australia hội nhập vào Thế kỷ châu Á là có một nền kinh tế mạnh, trong khi đó những chính sách hiện nay của Chính phủ Công đảng đang làm cho nền kinh tế Australia yếu đi như thực hiện Đạo luật thuế Carbon và thuế khai thác tài nguyên. Còn Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền với Công đảng cho rằng, Chính phủ Australia cần chú trọng vào hành động để thực hiện những mục tiêu này.

Tiến sĩ Ken Henry, thành viên của nhóm kinh tế chịu trách nhiệm soạn thảo Sách trắng và một số học giả, đại diện các doanh nghiệp và các chuyên gia xã hội hàng đầu của Australia cho rằng, những mục tiêu đề ra tới năm 2025 là có thể thực hiện được để đưa quốc gia này vào thế cạnh tranh hiệu quả tại châu Á. Theo tiến sĩ Ken Henry, Australia cần tiếp tục con đường hội nhập kinh tế và giảm các rào cản, cho phép hàng hóa, dịch vụ, công nhân và các ý tưởng di chuyển trong toàn khu vực; tăng cường sự phát triển chuỗi cung ứng khu vực, tự do luồng vốn và lao động.

Hai chuyên gia kinh tế kỳ cựu J.W. Neville Fellow và Tim Harcourt của Australia nhận xét với Hãng thông tấn Trung Quốc “Tân Hoa xã” rằng, hiện nay Australia đang bước vào làn sóng thứ 4 cam kết với các nước châu Á, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là đầu tàu và là trọng tâm trong hợp tác kinh tế với Australia. Theo hai ông, sau khi Trung Quốc thay thế Nhật Bản tham gia sâu hơn vào trật tự kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi vị thế các đối tác thương mại của Australia. Sự nổi lên của một số nước ASEAN cùng với “những người khổng lồ” mới tại châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo cho Australia bước vào giai đoạn hội nhập mới. Là đối tác thương mại hàng đầu của Australia và là nhà tiêu dùng đầu tiên khi bước vào thị trường tài nguyên khổng lồ của Australia, Trung Quốc và kiến thức về Trung Quốc đã trở thành khuôn khổ chính trong Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á".

Phòng Thương mại Australia-Trung Quốc (ACBC), cơ quan hàng đầu của Australia về hợp tác với Trung Quốc đã mô tả Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á" như là một lời kêu gọi giới kinh doanh và chính trị Australia cần hành động hướng tới thành công vì Thế kỷ châu Á không chỉ là ngôn từ hay. Còn Frank Tudor, Chủ tịch ACBC nhận xét rằng, giáo dục của Australia hướng về châu Á cũng là một trong những trọng tâm chính trong Sách trắng, trong đó nghiên cứu châu Á sẽ là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường học của Australia. Tất cả các sinh viên Australia sẽ được tiếp cận với một ngôn ngữ châu Á ưu tiên như tiếng Trung, tiếng Hindi, Indonesia hoặc tiếng Nhật. Để sự chuyển đổi kinh tế này thành công, Australia cần phải thay đổi tầm nhìn về Châu Á, tăng cường học hỏi các ngôn ngữ và văn hóa Châu Á. Cựu Thủ tướng Kevin Rudd, một trong số rất ít chính trị gia phương Tây nói thông thạo tiếng Quan thoại, coi khả năng hiểu biết Châu Á (đặc biệt là hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa) là yếu tố thành công của Australia trong Thế kỷ Châu Á.

Về chủ trương của Australia cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong Sách trắng, giáo sư Kishore Mahbubani, cựu Đại sứ Singapore tại Liên hợp quốc và cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, nói rằng việc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chi phối Châu Á-Thái Bình Dương là chuyện bình thường. Ông nhận xét: “Thế giới đang chứng kiến cuộc tranh đua giữa siêu cường thế giới là Mỹ và cường quốc đang lên là Trung Quốc. Không thể nào tránh khỏi việc cường quốc này tận dụng và khai thác sai lầm của cường quốc kia. Trung Quốc đã từng khai thác tận dụng sai lầm của Mỹ khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, còn hiện nay Mỹ đang tận dụng sai lầm của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông”. Do đó, Australia cần có chính sách cân bằng quan hệ với hai “người khổng lồ“ này.

Ngày 29/10/2012, tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, hiện nay mưu cầu hoà bình, phát triển và thúc đẩy hợp tác đã trở thành trào lưu thời đại, phù hợp lợi ích chung của các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế, Trung Quốc mong rằng việc ra Sách trắng “Australia trong Thế kỷ châu Á" có lợi cho các giới ở Australia tìm hiểu châu Á một cách khách quan và toàn diện, có lợi cho tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác giữa nhân dân các nước châu Á, cho giữ gìn hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Australia là tên gọi tắt Cộng đồng thịnh vượng chung Australia, một quốc gia nằm ở Nam bán cầu. Tính theo diện tích lãnh thổ (7.686.850 km2), Australia là nước lớn thứ 6 trên thế giới và cũng là quốc gia duy nhất chiếm trọn vẹn một lục địa cùng với nhiều hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Australia cũng là nước lớn nhất trong khu vực châu Đại Dương, có chung biên giới với New Zealand về phía Đông Nam; Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea về phía Bắc; Quần đảo Solomon, Vanuatu và New Caledonia về phía Đông Bắc.

Với vị thế địa-chính trị như vậy, Australia có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt ở châu Á trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành khu vực phát triển năng động và nhanh nhất thế giới, và sẽ là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Do đó, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành trọng tâm chú ý của các nước lớn. Nếu trước đây, Mỹ thường có ảnh hưởng không thể bàn cãi ở khu vực này thì hiện nay Trung Quốc đang thể hiện ảnh hưởng ngày càng lớn về địa-chính trị tại đây. Các chuyên gia phân tích ở Mỹ đang ngày càng lo ngại trước việc Trung Quốc đang bắt đầu thắt chặt quan hệ ngày càng gắn bó với những quốc gia mà Mỹ không muốn hoặc không thể thiết lập quan hệ bình thường.

Tiến sĩ Ken Henry một chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Australia và đã từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Bộ Ngân khố liên bang tại Canberra, nhận định: “Lịch sử chưa từng có một sự biến đổi kinh tế nhanh chóng và rộng lớn như hiện nay. Sự trỗi dậy của Châu Á đã thực sự thay đổi cả thế giới”. Do đó, Australia đã thực hiện chính sách đối ngoại khá cân bằng ở châu Á dựa trên 3 trụ cột chính, gồm tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ; phát huy vai trò là thành viên của Liên Hiệp Quốc và tăng cường quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Australia có quan hệ hữu nghị và đối tác ngày càng chặt chẽ và có hiệu qua hơn với các nước là thành viên ASEAN. Australia còn nỗ lực và chủ động đề cao vai trò tại các thể chế khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) gồm 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, New Zealand); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 10 nước đối tác đối thoại của ASEAN (gồm Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ) nhằm xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á-Thái Bình Dương; Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC); đẩy mạnh phát triển thương mại với các nước trong khu vực thông qua Hiệp định thương mại tự do AANZFT (Australia-ASEAN-New Zealand Free Trade Agreement). Đặc biệt, Australia tích cực vận động các nước ủng hộ sáng kiến thành lập Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương.

Theo nhận xét của Bộ trưởng ngân khố Australia, ông Wayne Swan, trong Thế kỷ châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ là những đối tác chủ chốt của Australia trong bối cảnh đang nổi lên tầng lớp trung lưu ở các nước châu Á, sẽ đạt con số hơn 2,5 tỷ người vào năm 2030 và chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu toàn cầu. Tầng lớp trung lưu mới này trong thế kỷ 21 sẽ tạo ra những cơ hội lớn trong nhiều ngành nghề của Australia, từ y tế, chăm sóc người cao tuổi đến thực phẩm, du lịch. Sắp tới đây, châu Á sẽ trở thành khu vực lớn nhất thế giới về sản xuất và tiêu dùng, vượt cả sản lượng kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Tài sản cá nhân trung bình ở châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Theo những dự báo khiêm tốn nhất, sẽ có 4 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thuộc về các quốc gia châu Á. Sự chuyển mình mạnh mẽ này của châu Á sẽ đem lại những cơ hội chưa từng có cho Australia.

 

 

Ngô Quyền (vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.