Nhớ mãi một thời hoa lửa

Bao giờ cũng vậy, mỗi lần có dịp gặp nhau là 2 cựu chiến binh Hoàng Thế So và Dương Đình Sỹ ở xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn) lại nhắc về lần gặp gỡ tình cờ nơi chiến trường miền Nam 47 năm về trước. Cuộc gặp diễn ra tại khu vực tổng kho Long Bình sau hơn 1 tháng kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam (ngày 30/4/1975). Hai người đồng chí, đồng hương không hẹn mà gặp trên dọc đường chiến đấu, niềm vui khó lòng kể xiết. “Tôi chỉ nhớ hôm đó vào khoảng 9 giờ sáng, trong đội hình của hai đơn vị hành quân đi làm nhiệm vụ, chúng tôi chợt nhận ra nhau. Chúng tôi chỉ kịp giơ tay chào và mỉm cười, chúc mừng nhau trong ngày toàn thắng”, cựu chiến binh Dương Đình Sỹ nhớ lại.
Cựu chiến binh kể chuyện chiến đấu giải phóng miền Nam, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Như bao chàng trai, cô gái thời bấy giờ, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Hoàng Thế So, người con dân tộc Tày của quê hương Văn Bàn đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ tháng 8/1971. Sau khi huấn luyện tại Bắc Thái, tháng 7/1972, Hoàng Thế So và đồng đội bắt đầu hành quân vào chiến trường Quảng Trị, bổ sung cho Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, trực tiếp chiến đấu ở các điểm cao giữa huyện Mai Lộc, Hải Lăng.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, cứ thế, ông So và đơn vị của mình đã tham gia chiến đấu với kẻ thù tại Cửa Việt (Quảng Trị), Thượng Đức (Quảng Nam), rồi hành quân qua Lào vào khu vực A Sầu, A Lưới của Thừa Thiên Huế. Trong một lần cùng đồng đội trinh sát tại cao điểm 1062 ở Thượng Đức, ông So bị thương do mảnh đạn găm vào chân. Điều trị xong, ngày 14/4/1975, ông tiếp tục trong đội hình của đơn vị hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. “Ngày 26/4/1975, chúng tôi được lệnh ém quân tại rừng cao su Biên Hòa, chuẩn bị đánh sân bay Tân Sơn Nhất và ngày 30/4/1975 tiến vào giải phóng Sài Gòn”, cựu chiến binh Hoàng Thế So kể.

Cựu chiến binh Dương Đình Sỹ ở thôn Yên Thành, ngay cạnh thôn Nà Lộc của cựu chiến binh Hoàng Thế So. Hai ông sinh sống ở đây từ bé, ông Sỹ kém ông So 2 tuổi. Ông Sỹ nhập ngũ ngày 3/1/1972 lúc vừa tròn 18 tuổi. Ông thuộc đội xe vận tải, Phòng Hậu cần của Sư đoàn 377 Pháo cao xạ. Trong suốt những năm tháng bám trụ tay lái trên nhiều cung đường lỗ chỗ hố bom, ông Sỹ từng kéo pháo vào các trận địa để bộ đội chiến đấu tại các chiến trường thuộc khu vực tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; hỗ trợ chiến dịch 81 ngày đêm tại thành cổ và bảo vệ cửa khẩu Đường 20, phà Long Đại - Xuân Sơn.

Tháng 1/1973, đơn vị của ông Sỹ bắt đầu hành quân vào Nam dưới đội hình Đoàn 559, bảo vệ các trọng điểm, cao điểm, bến bãi, kho tàng ở những vùng giải phóng; tham gia đánh địch ở đồn Thượng Đức, Đăk Pék rồi theo đường 14 đi Kon Tum, hành quân vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không chỉ ông Sỹ, ông So, mà tỉnh Lào Cai đã có hơn 15.400 cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Nhiều tập thể, cá nhân chiến đấu dũng cảm, kiên cường, lập những chiến công hiển hách. Cũng có nhiều người con của quê hương Lào Cai vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường miền Nam, hóa thân cho dáng hình xứ sở.

Vì miền Nam ruột thịt, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Lào Cai đã dành những gì tốt đẹp nhất gửi ra tiền tuyến với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Cùng với số thanh niên nhập ngũ thuộc các đơn vị bổ sung thường xuyên cho chiến trường, năm 1967 và 1968, tỉnh Lào Cai đã thành lập hai tiểu đoàn mang tên Hoàng Liên Sơn I và Hoàng Liên Sơn II gửi vào miền Nam thân yêu. Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I được thành lập ngày 30/7/1967 với 100% quân số là cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước của các cơ quan cấp tỉnh. Sau hơn 6 tháng huấn luyện tại Bắc Thái, ngày 12/2/1968, đơn vị lên đường vào Nam, bổ sung cho các đơn vị pháo binh, chiến đấu dọc tuyến Đường 9 Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu và nước bạn Lào. Thời gian sau được bổ sung cho Quân đoàn 1 đánh chiếm Sài Gòn, trở thành “quả đấm thép” của Binh chủng Pháo binh.

Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II gồm con em các dân tộc của huyện: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng và thị xã Lào Cai nhập ngũ ngày 15/7/1968.

Mỗi dịp tháng 4 về, các cựu chiến binh xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn) lại gặp gỡ, ôn lại truyền thống.

Điều đặc biệt, tiểu đoàn được huấn luyện ngay tại tỉnh, ngày 6/2/1969 (tức ngày 27 tết Kỷ Dậu) bắt đầu vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Sau hơn 5 tháng ròng rã hành quân bộ, đến cuối tháng 7/1969 bắt đầu đến khu vực giáp ranh giữa Thủ Dầu 1 và tỉnh Tây Ninh, một số chiến sĩ được bổ sung cho Đoàn 50 (Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ); một số biên chế vào các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nước bạn Campuchia.

Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Trần Văn Nhuận, chiến sĩ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I năm xưa giờ ở tổ 8, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai bộc bạch: Năm 1967, tôi đang công tác ở Phòng Lương thực thị xã Cam Đường, thuộc Ty Lương thực Lào Cai. Thời điểm đó, công việc này là niềm mơ ước của nhiều người, nhưng khi được tuyên truyền, tôi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Dù biết đường chiến đấu hiểm nguy luôn rình rập, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng lòng chẳng mảy may nghĩ ngợi, sẵn sàng gác lại tất cả để tham gia bảo vệ quê hương. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy được ra chiến trường, trở thành lẽ sống, lý tưởng cao đẹp và cao hơn chính là khát vọng hòa bình, khát vọng được sống trong một đất nước tự do, độc lập.

Còn cựu chiến binh Ma Công Thắng ở tổ 7, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai kể, khi thành lập Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II năm 1968, ông được phân công làm Trợ lý chính trị tiểu đoàn. Tháng 7/1969, chỉ sau 2 ngày đơn vị hành quân đến khu vực giáp ranh giữa Thủ Dầu 1 và tỉnh Tây Ninh đã bị máy bay B52 của Mỹ - ngụy rải thảm kéo dài suốt cả một đêm khiến 1 chiến sĩ hy sinh.

Ngồi kế bên, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đông, chiến sĩ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II, nay ở thôn Tiến Cường, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai giơ bàn tay vẫn nguyên vết sẹo trúng đạn đại liên của kẻ địch tại Rạch Giá, Cà Mau năm 1973, mắt rưng rưng. Có lẽ lúc này, tâm trí ông đang tìm về những năm tháng đánh giặc ở miền Tây Nam Bộ. Ký ức cựa mình, những gương mặt đồng đội năm nào vội điểm danh, ông nghẹn ngào: “Tôi không thể quên cái đêm định mệnh năm 1972. Sau hơn 2 giờ chiến đấu ác liệt với kẻ địch tại Bến Cát, Thủ Dầu 1, Trung đội 6, Đại đội 4, Tiểu đoàn 9 của tôi có 8/10 người đã hy sinh. Tôi và 1 người nữa phải xé dù pháo sáng lấy được của địch để làm hậu sự cho đồng đội. Còn lại hai mảnh chúng tôi chia nhau làm kỷ niệm và tôi vẫn giữ cho đến hôm nay để ghi nhớ về một thời hoa lửa”.

Mỗi dịp tháng 4 về, trên khắp dải đất hình chữ S mang tên Việt Nam, đâu đâu cũng vời vợi một màu huyền thoại. Đi trong huyền thoại được tạc lên bằng chính máu xương của biết bao thế hệ cha anh, mọi người cùng nhắc nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng trong xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cho hôm qua, hôm nay và mai sau.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355820-nho-mai-mot-thoi-hoa-lua

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...